Đóng tàu theo Nghị định 67: Vẫn còn khó

Dù chưa được giải ngân đồng nào, nhưng ngư dân Tiến Thủy (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) vẫn chủ động đóng mới 3 tàu đánh cá xa bờ. Ảnh: QL.
Dù chưa được giải ngân đồng nào, nhưng ngư dân Tiến Thủy (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) vẫn chủ động đóng mới 3 tàu đánh cá xa bờ. Ảnh: QL.
TP - Gần một năm triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP, ngư dân Nghệ An chỉ mới được cấp vốn đóng 6 tàu vỏ gỗ, trong khi chưa có dự án tàu vỏ sắt nào được khởi công. Chính sách hỗ trợ ngư dân ra khơi bám biển bị tắc ở đâu?

Ngày 7/7/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 67 “Về một số chính sách phát triển thủy sản” quy định chính sách về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, ưu đãi thuế… nhằm phát triển thủy sản, trong đó có chính sách tín dụng đóng mới tàu vỏ gỗ, vỏ thép, hỗ trợ ngư dân phát triển nghề cá. Sở NN&PTNT Nghệ An “đi tắt, đón đầu” tổ chức nhiều cuộc hội thảo với ngư dân nhằm chủ động tiếp cận dự án tàu đánh cá xa bờ.

Sàng lọc hàng trăm hồ sơ từ các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Cửa Lò, Hoàng Mai gửi lên, tỉnh Nghệ An chốt danh sách đóng mới 71 chiếc, trong đó có 36 tàu vỏ gỗ, 30 tàu vỏ sắt và 5 tàu composite (vật liệu mới). Mỗi chiếc tàu vỏ gỗ trị giá 5-7 tỷ đồng; tàu vỏ sắt 15-17 tỷ đồng.     

Huyện Quỳnh Lưu là nơi có nghề cá phát triển nhất Nghệ An, cũng là nơi có số lượng ngư dân đăng ký vay vốn đóng tàu đánh bắt cá xa bờ nhiều nhất tỉnh. Toàn huyện có 1.260 tàu thuyền, 7.500 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản. Ngay khi Nghị định 67 ra đời, Quỳnh Lưu có 358 chủ dự án đăng ký tham gia đóng mới tàu vỏ sắt, vỏ gỗ. Đợt một, tỉnh Nghệ An phân bổ cho Quỳnh Lưu 15 dự án, sau tăng lên 33, trong đó có 9 dự án tàu sắt, 24 tàu vỏ gỗ.

“Huyện chúng tôi đã thành lập Ban chỉ đạo, lập tổ giúp việc cho Ban chỉ đạo và tư vấn hồ sơ, thủ tục cho bà con ngư dân để người dân sớm tiếp cận được dự án. Nhiều cuộc họp giữa huyện và dân, giữa huyện và các chi nhánh ngân hàng được tổ chức, tất bật, sốt sắng gần một năm qua nhưng số lượng dự án được chấp thuận chỉ đếm trên đầu ngón tay”, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu Đặng Ngọc Bình cho hay.

Chậm công bố thiết kế tàu vỏ gỗ

Nghị định 67 quy định “chủ tàu được thế chấp giá trị tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản để bảo đảm khoản vay”, nhưng theo ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu: “Giai đoạn đầu triển khai dự án đóng tàu đánh cá xa bờ, một số ngân hàng có chi nhánh đặt tại huyện yêu cầu ngư dân phải có tài sản thế chấp, như sổ đỏ chẳng hạn, khiến dân hết sức hoang mang”.

Điều kiện áp đặt vô lý này sau đó được các chi nhánh ngân hàng tại Quỳnh Lưu gỡ bỏ, nhưng đã vô tình tạo lực cản làm chậm tiến độ dự án đóng tàu đánh cá xa bờ, gây khó khăn cho ngư dân trong việc xây dựng hồ sơ, làm thủ tục vay vốn. Các chi nhánh ngân hàng đặt tại thị trấn Giát (Quỳnh Lưu) chỉ đủ thẩm quyền cấp vốn cho dự án từ 4 tỷ đồng trở xuống, trong khi mỗi dự án đóng tàu vỏ gỗ có vốn đầu tư lên tới 5- 7 tỷ đồng. Ngân hàng cấp huyện tiếp nhận hồ sơ, phải thêm một bước trình lên trên, kéo dài lộ trình xin vay vốn của ngư dân.

Trong số 33 dự án đóng mới tàu đánh cá xa bờ của huyện Quỳnh Lưu được tỉnh Nghệ An chấp thuận, xã Tiến Thủy có 16 dự án (5 tàu vỏ sắt, 11 tàu vỏ gỗ), nhưng sau gần một năm triển khai Nghị định 67, xã được đánh giá là có nghề cá phát triển nhất huyện, nhất tỉnh này chưa có dự án nào được giải ngân. Mặc dù chưa vay được vốn, ngư dân Tiến Thủy vẫn liều đóng mới 3 tàu vỏ gỗ lớn trong khi làm thủ tục ở ngân hàng.

“Chương trình đóng tàu đánh cá xa bờ triển khai đã lâu, dưới cơ sở cứ loanh quanh tháo gỡ. Có người mất gần một năm theo đuổi dự án, hết lên huyện lại về xã, bỏ cả ngư trường, nhưng đồng vốn cứ xa tít mù khơi. Nản quá! Có người đuổi theo dự án, thấm mệt, đành ngồi chờ xem các dự án khác như thế nào rồi hẵng tính”, ông Nguyễn Văn Kế, Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá Tiến Thủy (huyện Quỳnh Lưu), nói.

Nghị định 67 có hiệu lực từ ngày 25/8/2014, nhưng đến tháng 5/2015, tỉnh Nghệ An mới công bố mẫu thiết kế tàu vỏ gỗ. Nguyên nhân của sự chậm trễ này, theo ông Trần Hữu Tiến - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Ban chỉ đạo Nghị định 67 tỉnh Nghệ An: “Mẫu thiết kế trước đó không có, tỉnh phải chi tiền để mua và đến tháng 5 vừa rồi mới công bố được”.

Không có thiết kế mẫu tàu, chưa hoàn thiện hồ sơ nên các ngân hàng không đồng ý cho ngư dân (các chủ dự án) vay vốn đóng tàu. Sau nhiều tháng gửi hồ sơ và mỏi mòn chờ đợi, người dân lại phải đi rút hồ sơ từ ngân hàng về để bổ sung thủ tục, nộp lại cho ngân hàng và tiếp tục chờ đợi.

Tàu vỏ sắt “đóng băng”

Dự kiến đóng 30 chiếc tàu vỏ sắt nhưng gần một năm trôi qua, Nghệ An vẫn chưa khởi công được chiếc nào. “Tôi hỏi cac sở, ngành, anh em bảo tắc là do các ngân hàng: Hỏi ngân hàng thì họ luôn bảo chúng tôi hoàn toàn nhất trí ủng hộ, không vướng mắc gì cả. Đến giờ vẫn chưa đóng được chiếc tàu sắt nào, tôi cũng nóng ruột”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Đinh Viết Hồng nói.

Tại huyện Quỳnh Lưu, có chủ dự án đã bỏ ra 172 triệu đồng, chạy đôn chạy đáo làm thủ tục vay vốn đóng tàu sắt, mất nhiều công sức nhưng chưa được giải ngân đồng nào. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An Trần Hữu Tiến phản ánh: “Dân nộp hồ sơ, ngân hàng tiếp nhận nhưng sau đó không trả lời, hỏi thì nói cứ chờ! Bắt dân chờ đến bao giờ? Chúng tôi cần phía ngân hàng trả lời là cho vay hay không cho vay”. Hầu hết khi ngư dân đến ngân hàng nộp hồ sơ xin vay vốn đóng tàu vỏ sắt, không ai được viết giấy hẹn. Ông Tiến bức xúc: “Cứ níu kéo câu giờ, xem xem, ngó ngó”.

Huyện Quỳnh Lưu có 9 dự án tàu vỏ sắt, hồ sơ vay vốn ngư dân đã nộp cho ngân hàng. “Để xây dựng một bộ hồ sơ, bà con ngư dân mất cả tháng ròng, chạy lên chạy xuống bổ sung cho đủ 12 loại thủ tục giấy tờ cũng vàng mắt”, một ngư dân nói. Chờ đợi mãi, dự án tàu sắt vẫn “đóng băng”, ngân hàng không từ chối nhưng cũng chẳng giải ngân. Ngày 5/6, Ban chỉ đạo Nghị định 67 huyện Quỳnh Lưu tổ chức họp tháo gỡ vướng mắc. Không có chuyển biến. Ngày 12/6, huyện lại họp tiếp.

Làm việc với Tiền Phong ngày 26/6, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu Đặng Ngọc Bình cho biết: “Đầu tuần này UBND huyện sẽ có công văn gửi các chi nhánh ngân hàng đóng tại thị trấn Giát, đề nghị trả lời là có cho ngư dân vay vốn đóng tàu vỏ sắt hay không. Cho hay không cho, phải trả lời dứt khoát, đừng ngâm hồ sơ của dân như vậy!”.

Mười tháng triển khai Nghị định 67, đến ngày 27/6/2015, ngư dân Nghệ An mới được các ngân hàng giải ngân đóng 5 tàu vỏ gỗ tại xã Nghi Quang, Phúc Thọ (huyện Nghi Lộc), Diễn Ngọc (Diễn Châu), Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Thọ (huyện Quỳnh Lưu). Chậm trễ chủ yếu là do công bố mẫu thiết kế chậm, hồ sơ gửi ngân hàng chưa hoàn thiện.   

MỚI - NÓNG
3 người tử vong trên sông Pô Kô, có 2 cán bộ huyện
3 người tử vong trên sông Pô Kô, có 2 cán bộ huyện
TPO - Thấy chị T (công chức Phòng TN&MT huyện Đức Cơ) trượt chân rơi xuống sông Pô Cô, trung tá N.V.V (Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Đức Cơ) và anh L.K.L (trú tại TP.Pleiku, Gia Lai) lao xuống cứu nhưng không được, cả ba người bị dòng nước chảy xiết cuốn tử vong.