Săn lùng kho báu của Đức Quốc xã

0:00 / 0:00
0:00
TP - Các nhà lưu trữ Hà Lan đã công bố một tài liệu chiến tranh tiết lộ một kho tàng tiền vàng và đồ trang sức được cất giấu bởi những người lính Đức trong Thế chiến II.
Săn lùng kho báu của Đức Quốc xã ảnh 1
Một tấm bưu thiếp chụp lại những người lính Đức rời Hà Lan sau khi đầu hàng vào tháng 5 năm 1945

Khi Đức Quốc xã chạy trốn khỏi châu Âu vào những ngày cuối cùng của Thế chiến II, bốn người lính Đức đã chôn một kho tiền vàng và trang sức ở một vùng nông thôn hoang vắng ở Hà Lan. Gần 80 năm sau, kho báu bị chôn vùi đã có cơ may được tìm thấy một lần nữa sau khi Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Hà Lan công bố một kho tài liệu – và một bản đồ có một vị trí được đánh dấu X.

Kho báu - bốn hộp đạn chứa đầy tiền vàng, đồng hồ, đồ trang sức, kim cương và các loại đá quý khác - được cho là trị giá ít nhất 2 triệu đến 3 triệu đồng guilder Hà Lan vào năm 1945, tương đương khoảng 15,85 triệu bảng Anh (454,5 tỷ VND) theo mệnh giá ngày nay.

“Rất nhiều nhà nghiên cứu, nhà báo và cả các nhà khảo cổ học nghiệp dư đều rất quan tâm và hào hứng”, bà Annet Waalkens, cố vấn tại Cơ quan Lưu trữ Quốc gia, nơi tuần trước đã công bố hơn 1.300 tài liệu lịch sử, cho biết.

Liệu bất kỳ thợ săn kho báu nào có thể tìm thấy các hộp đạn hay không là một vấn đề khác. Trong số các tài liệu về Thế chiến II, có một tập tài liệu dày 7cm kể lại những nỗ lực bất thành của nhà nước Hà Lan nhằm tìm lại kho báu bị Đức Quốc xã cướp mất sau chiến tranh.

Các nhà nghiên cứu tin rằng kho báu được chôn cất vào tháng 4/1945, khi quân Đồng minh đang trên đà giải phóng thanh phố Arnhem ở phía đông Hà Lan. Lính Đức đang chạy trốn. “Họ quyết định chôn kho báu vì họ bắt đầu cảm thấy sợ hãi”, bà Waalkens nói.

Số hàng hóa quý giá được chôn trong rễ một cây dương, sâu khoảng 70 - 80cm, ngay bên ngoài làng Ommeren, cách Arnhem khoảng 40km. Chúng có thể đã vĩnh viễn biến mất khỏi ghi chép lịch sử nếu không nhờ một người lính Đức, Helmut S., người không phải là một trong những kẻ cướp bóc ban đầu nhưng đã tham gia vào việc chôn cất kho báu tiết lộ.

Cục Lưu trữ Quốc gia không tiết lộ tên đầy đủ của ông, bởi vì Helmut S., sinh năm 1925, có thể vẫn còn sống, mặc dù không ai có thể lần ra dấu vết của ông. Trong số ba người lính khác, hai người đã không sống sót sau cuộc chiến và người kia đã biến mất một cách bí ẩn.

Tuy nhiên, Helmut S. vẫn nằm trong tầm ngắm. “Hồi ở Berlin, ông không kiệm lời cho lắm, vì vậy ông đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của chính quyền Hà Lan tại thành phố bị Đức chiếm đóng. Họ đã chuyển thông tin cho Beheersinstitutut, Viện Quản lý Tài sản Hà Lan, một cơ quan chịu trách nhiệm cho tài sản của những người đã mất tích trong Thế chiến II, bao gồm cả những người Do Thái bị trục xuất, gián điệp Hà Lan và công dân Đức sống ở Hà Lan.

Theo Helmut S., kho báu được hình thành khi chi nhánh Arnhem của ngân hàng Rotterdamsche bị đánh bom vào tháng 8/1944. Một chiếc két sắt đã bị đập phá để lại đồ trang sức, tiền vàng và những của cải khác vương vãi khắp đường phố. Đồng đội của Helmut S. đã bỏ túi tất cả những gì họ có thể nhìn thấy, sau đó giấu chiến lợi phẩm trong các hộp đạn kẽm.

Vào những năm 1946-1947, Beheersinstitutut đã thực hiện ba cuộc tìm kiếm. Lần đầu tiên thất bại vì mặt đất bị đóng băng. Lần thứ hai, được hỗ trợ bởi các máy dò kim loại thô sơ thời bấy giờ, không mang lại kết quả gì. Trong nỗ lực thứ ba, họ triệu tập Helmut S. trở về từ Đức để giúp đỡ, nhưng bất chấp hiểu biết của nhân chứng và bản đồ mà ông đã cung cấp, cuộc đào bới vẫn không có kết quả.

Các nhà lưu trữ không chắc chắn ai đã tạo ra bản đồ, nhưng họ tin rằng đó là môt trong những người lính Đức. Sau khi Helmut S. bàn giao nó, bản đồ được đưa vào hồ sơ của Beheersinstitutut, với điều kiện là nó sẽ không được tiết lộ trong nhiều năm để bảo vệ lợi ích tài chính của chủ sở hữu tài sản.

Săn lùng kho báu của Đức Quốc xã ảnh 2
Bản đồ kho báu bị chôn vùi hiện đã được công bố cho công chúng

Các quan chức Hà Lan đã xem xét một số giả thuyết. Có lẽ kho báu đã được đào lên bởi một người dân địa phương đã chứng kiến việc chôn cất, hoặc bởi người lính Đức thứ tư bí ẩn. Những người khác nghi ngờ quân lính Mỹ.

Trong lần đào thứ ba, nhân viên của Beheersinstitutut đã chạm trán với hai sĩ quan Mỹ và nhận thấy rằng đất trong khu vực đã bị xáo trộn. “Và họ nói với chúng tôi: “Chúng tôi không biết bạn đang làm gì, nhưng xin hãy để tâm đến công việc của bạn và đây là việc của chúng tôi”, bà Waalkens kể lại.

Ông Joost Rosendaal, trợ lý giáo sư lịch sử tại Đại học Radboud ở thành phố Nijmegen cho biết, nạn cướp bóc là phổ biến ở cả hai phe. Vào tháng 10/1944, ít nhất năm ngân hàng ở Arnhem đã bị lính Đức cướp phá. Sau khi được giải phóng vào tháng 4/1945, một ngân hàng khác đã bị cướp bởi một đội quân mặc quân phục Anh, trong đó bao gồm một người Hà Lan đang phục vụ trong trung đoàn South Wales Borderers của Anh.

Nhà sử học cho rằng Helmut S. đã hiểu sai một số sự thật. Theo ông Rosendaal, câu chuyện của Helmut rằng các đồng đội của ông tình cờ bắt gặp những viên ngọc quý trên đường sau khi một ngân hàng bị tấn công vào tháng 8/1944 “không thể đúng” vì Arnhem không hề bị đánh bom trong tháng đó.

Đến tháng 9/1944, quân Đồng minh mới cố gắng chiếm Arnhem, trong Chiến dịch Market Garden thảm khốc. Canh bạc liều lĩnh này của Thống chế Bernard Montgomery nhằm đột nhập vào nước Đức đã khiến nhiều người thiệt mạng và sau đó được dựng thành một bộ phim, “A Bridge Too Far” (Cây cầu quá xa) vào năm 1977.

Săn lùng kho báu của Đức Quốc xã ảnh 3
Vùng ngoại ô của ngôi làng Ommeren ở Hà Lan

Ông Rosendaal cho rằng, có khả năng những người lính khác đã lấy trộm đồ trang sức vào tháng 11/1944 khi lực lượng Đức phóng hỏa ngân hàng Rotterdamsche của Arnhem với mục đích nhằm “che giấu vụ cướp ngân hàng”.

Nhà sử học nghi ngờ kho báu sẽ không bao giờ được tìm thấy. Khu vực xung quanh Ommeren đã bị ném bom nặng nề vào đêm ngày 24/4/1945 bởi Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh. Ông tin rằng nơi cất giấu đã bị “phá hủy bởi trận oanh tạc này”, khiến người dân địa phương hoặc quân đội Đồng minh phát hiện ra kho báu, hoặc nó đã bị binh lính Đức đưa đến một địa điểm khác.

Tuy nhiên, nhóm lưu trữ của Hà Lan vẫn giữ nhiều hy vọng khi bản đồ hiện đã trở nên trực tuyến và có sẵn để xem trực tiếp tại thành phố Hague cùng với các tài liệu khác từ bộ sưu tập, mà có thể kéo dài đến 142 km nếu chúng được xếp thành một hàng.

“Tôi thực sự hy vọng rằng nó vẫn còn đó. Và rằng khi nó được đào lên, có lẽ chúng ta có thể lần ra chủ sở hữu hợp pháp của một sô món đồ”, bà Waalkens nói.

Theo theguardian.com, ngày 7/1/2023
MỚI - NÓNG