Sân khấu thiếu nhi bớt chụp giật?

 “Hoàng tử gấu và hạt đậu thần” mang hơi thở kịch phía Nam tại Nhà hát Tuổi Trẻ
“Hoàng tử gấu và hạt đậu thần” mang hơi thở kịch phía Nam tại Nhà hát Tuổi Trẻ
TP - Nửa tháng nữa mới tới tết thiếu nhi, gần chục chương trình đã sẵn sàng lên sân khấu. NSƯT Chí Trung mạnh dạn nói rằng, sẽ chấm dứt sự chụp giật đối với sân khấu thiếu nhi, nhưng có vẻ đó mới là ý muốn.

Nhiều lựa chọn

Dự án Thiên đường tuổi thơ của Nhà hát (NH) Tuổi Trẻ gồm vở kịch Hoàng tử gấu và hạt đậu thần dựng lại của sân khấu Idecaf, một chương trình ca múa nhạc Phiêu lưu trong thế giới hoạt hình. So với Ngôi nhà của bé - lối mòn của nhà hát nhiều năm trước, chương trình năm nay có thể tạm gọi là khởi sắc từ trang phục trở đi.

Một loạt nhà hát cũng tung chương trình lấy chất liệu dân gian làm chủ đạo. Vua Lợn của NH Kịch Việt Nam lấy cảm hứng từ truyện cổ tích về cậu bé mồ côi lang thang, bẩn như lợn, sau nhờ thông minh nhanh nhẹn và ý chí, lập công lớn và lên ngôi vua, vẫn nhớ ân nghĩa với người hầu gái xưa cứu mạng.

NSƯT Thúy Mùi, Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội cho biết, chị đích thân đạo diễn vở Những điều ước thần kỳ, trộn nhiều tích cổ. Nghệ sĩ Minh Vượng vẫn là gương mặt “đinh” để thu hút khán giả nhí.

Bí mật chuyện kể 2 của nhóm Xuân Bắc-Tự Long vẫn khai thác mô típ người hùng, siêu nhân và những thế lực bóng tối. Và là câu chuyện về mơ ước của các em nhỏ muốn thành người hùng.

Hơi thở mới của kịch phía Nam?

NSƯT Chí Trung, Phó Giám đốc NH Tuổi trẻ, lạc quan về Hoàng tử gấu và hạt đậu thần: “Lâu nay sân khấu thiếu nhi trông vào sự tự phát của các ông bầu. Giờ chúng tôi muốn làm sân khấu hoành tráng, gửi thông điệp để các con khi ra về đọng lại những điều tốt đẹp, niềm tin về cuộc sống. Chúng tôi muốn dừng sự chụp giật của chúng tôi lại”.

Sân khấu Idecaf chạy được đến số 27 của sêri Ngày xửa ngày xưa. Vở diễn ra Bắc lần này là số 26, do Vũ Đình Toàn của Idecaf đạo diễn. Hơn trăm bộ phục trang phong cách châu Âu, bối cảnh sân khấu được chuyển giao lại cho NH Tuổi trẻ. Thành công phải chờ sự đo đếm của khán giả, bởi ê kíp phía Bắc thiếu diễn viên ngôi sao như Thành Lộc.

Vũ Đình Toàn có ba ngày làm việc ngắn ngủi với diễn viên. Không có thời gian hợp tác từ đầu, nên anh chỉ có thể chuốt lại dựa trên bản mộc mà trưởng đoàn Sĩ Tiến đã dựng, thời lượng bị cắt từ 2 tiếng rưỡi xuống khoảng tiếng rưỡi, từ ngữ thay đổi một chút cho phù hợp với khán giả ngoài này.

Có xem Vũ Đình Toàn, đạo diễn sân khấu Idecaf làm việc, mới thấy sự khác biệt lớn và sự chuyên nghiệp, tỉ mỉ tới từng chi tiết: “Hoàng hậu ngã cũng phải giữ hình ảnh, không phải cứ vừa ngã vừa giữ tóc. Có thể diễn chưa hay, nhưng phải đẹp để tăng phần nhìn”. Trước đó, anh lôi cả năm bà tiên ra làm tóc, trang điểm lại hết, rồi vua nữa chứ, không thể vở kịch châu Âu mà vẽ mặt như hề.

Không dễ chơi với trẻ

“Sự chuyên nghiệp ở ta hầu như không có, chuyên nghiệp cho thiếu nhi càng ít hơn. Khi tôi làm luận văn tốt nghiệp, hầu như không có tài liệu về nghệ thuật biểu diễn cho thiếu nhi ngoài hai cuốn sách của NSND Phạm Thị Thành. Không tôn trọng thiếu nhi thì tôi nghĩ các em và bố mẹ sẽ biết ngay. Tuy nhiên chương trình, tác phẩm cho thiếu nhi vẫn tồn tại và phát triển bởi lẽ làm giải trí cho thiếu nhi quá khó, các em không có nhiều lựa chọn”, Xuân Bắc nói.

Sân khấu phía Nam năng động hơn hẳn, các vở diễn đều được đầu tư lớn. Idecaf chẳng hạn, tạo dựng được phong cách riêng nhưng cũng gặp khó. “Trẻ em 5 tuổi của năm 2000 khờ hơn rất nhiều so với trẻ 5 tuổi của 2014, cảm nhận về nghệ thuật cũng khác, nhưng có nghịch lý là sân khấu từ năm 2000 đến nay y chang, vậy thì người sản xuất, đạo diễn phải tìm cách làm sao cho hấp dẫn. Chúng tôi thay đổi liên tục, mỗi năm làm một vở về châu Phi, Ai Cập, châu Âu, châu Mỹ, Việt Nam, kịch bản được đặt hàng kỹ lưỡng”, Vũ Đình Toàn cho biết.

“Làm hài mà ai cũng làm được thì không còn khó khăn nữa, diễn cho thiếu nhi mà ai cũng diễn được thì không thành vấn đề nữa rồi. Không gì dễ bằng lừa trẻ con, không gì khó bằng chơi với trẻ”, Xuân Bắc thẳng thắn.

Bạo lực trong sân khấu thiếu nhi?

“Tôi hay đề cập những vấn đề và những chuyện cho trẻ em vui, thư giãn, có tình bạn, đoàn kết, yêu thương chia sẻ, nhưng luôn cài cắm quan điểm giáo dục. Nhiều người bị cực hữu hoặc cực tả, nâng quan điểm đã trẻ em là không bạo lực. Không ai ủng hộ bạo lực, nhưng tôi theo xu hướng phải dạy trẻ biết căm ghét cái ác, phải biết chiến đấu, bảo vệ lẽ phải, bênh vực người yếu hơn, có kỹ năng cần thiết để tồn tại. Trong những câu chuyện chúng tôi đã làm, không bao giờ có bạo lực kiểu máu me, giết chóc, mà chỉ là màn hóa phép, võ thuật hài hước nhưng phải có tính chiến đấu”, Xuân Bắc nói.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.