Sài Gòn và danh xưng 'Hòn ngọc Viễn Đông'

Trung tâm TPHCM nhìn từ cao ốc Vincom (quận 1)
Trung tâm TPHCM nhìn từ cao ốc Vincom (quận 1)
TP - Liệu Sài Gòn có thực sự từng đứng đầu khu vực Đông Nam Á với danh xưng “Hòn ngọc Viễn Đông” hay chỉ là sự ngộ nhận, lạc quan tếu của nhiều người? Điều này luôn là chủ đề gây tranh cãi trong suốt nhiều thập kỷ qua sau khi đất nước thống nhất.

Xếp trên Hàn Quốc, Thái Lan?

Về danh xưng “Hòn ngọc Viễn Đông”, trong tác phẩm France in Indochina: Colonial Encounters xuất bản vào năm 2001, TS Nikki Cooper (Đại học Bristol) giải thích sau khi chiếm Việt Nam, Lào và Campuchia làm thuộc địa gộp thành xứ Đông Dương vào năm 1885, Pháp và Anh đã có một sự chạy đua quyết liệt.Pháp muốn Đông Dương trở thành “Hòn ngọc Viễn Đông” để đối ứng với “Viên châu báu trên vương miện”của Anh là Ấn Độ. Như vậy, thành phố Sài Gòn chỉ là thủ phủ của “Hòn ngọc Viễn Đông” bao gồm toàn cõi Đông Dương. 

Trên nhiều diễn đàn, một số học giả, chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng “Hòn ngọc Viễn Đông”gắn liền với quá khứ vàng son, tươi đẹp, ấm no và đáng tự hào của Thành phố Sài Gòn trước khi bị hủy hoại bởi chiến tranh và một số chính sách quản lý kinh tế sai lầm. Trên một tờ báo lớn ở TPHCM phát hành cuối tháng 3/2016 còn khẳng định: “50 năm trước, ông Lý Quang Diệu nhìn về Sài Gòn và mơ ước Singapore sẽ được như Sài Gòn. Khi đó Singapore chỉ là một làng chài, nay họ là đô thị số 1 trong khu vực, cả về kinh tế và chất lượng sống”.

Một cựu lãnh đạo UBND TPHCM từng cho rằng vào năm 1975, Sài Gòn có 3,5 triệu người, thu nhập bình quân đầu người cỡ 360 USD/nămthì không thể là số 1 của khu vực Đông Nam Á. Ý kiến này đã bị một số chuyên gia phản đối. Họ cho rằng đến năm 1975 kinh tế miền Nam và Sài Gòn nói riêng đã kiệt quệ sau cuộc chiến tranh kéo dài.Năm 1975, GDP bình quân đầu người của miền Nam chỉ còn 44 USD, bằng 1/5 so với 15 năm trước, cho nên thủ đô của miền Nam là Sài Gòn tất yếu phải rất nghèo.

Cụ thể: Năm 1960, GDP bình quân đầu người của miền Nam là 223 USD, cao hơn Hàn Quốc (155 USD), Thái Lan (101 USD), Trung Quốc (92 USD), Ấn Độ (84 USD). Chỉ có hai nước trong khu vực có GDP bình quân đầu người cao hơn Việt Nam là Malaysia (299 USD) và Philippines (257 USD). Những năm trước thế chiến thứ hai, GDP của Nam bộ bằng 160% của năm 1960, và GDP đầu người của Nam bộ cao thứ nhì châu Á, chỉ đứng sau Nhật. Nam bộ đã giàu có như vậy, làm sao thủ phủ của nó là Sài Gòn không giàu có và chắc chắn rằng Sài Gòn đã từng có một quá khứ đáng mơ ước.

Một số ý kiến cho rằng huy hiệu (logo) Sài Gòn đã nói lên ý khát vọng muốn phát triển Sài Gòn lên đỉnh cao của người Pháp sau khi đánh chiếm vùng đất này làm thuộc địa. Huy hiệu do Hội đồng thành phố Sài Gòn duyệt năm 1870 khắc hình con cọp và cây cảnh Sài Gòn, bên dưới có dòng chữ Latin “Paulatim Crescam” (tạm dịch: “Từ từ tôi sẽ phát triển lên”) để làm phù điêu treo ở phòng khánh tiết Dinh Xã Tây, sau này là Tòa thị chính Sài Gòn. 

Thực tế Sài Gòn đã phát triển vượt bậc, đứng hàng nhất, nhì trong số các thương cảng thuộc địa của Pháp.

Trong giai đoạn này, Sài Gòn đón nhận những con người năng động nhất đến từ khắp nơi, tìm cách làm giàu ở thương cảng lớn này. Vết tích kiến trúc nhà cửa của họ hiển hiện khắp nơi.Từ mạng lưới ngõ xóm của người Việt, nhà dãy dạng “shophouse” (nửa ở nửa buôn bán) của Hoa kiều Hồng Kông, Singapore, Hoa Nam, phố “bazaar” (cửa hàng buôn và ở) của người Chà Chetty (Nam Ấn Độ), rồi người Java, Mã Lai, người Tagal (Philippines), phố Tây, đặc biệt là dạng villa vườn của người Pháp, người Bỉ, người Đức...

Sài Gòn và danh xưng 'Hòn ngọc Viễn Đông' ảnh 1

Kênh Nhiêu Lộc năm 1956 ảnh tư liệu

 
Chỉ là sự ngộ nhận?
Theo một số chuyên gia, những ý kiến cho rằng Sài Gòn từng là số 1 Đông Nam Á với danh xưng “hòn ngọc Viễn Đông” chỉ là sự ngộ nhận, một “quá khứ mộng du” tự huyễn hoặc của nhiều người từng yêu mến, gắn bó với thành phố này. Chưa bao giờ có chuyện hơn nửa thế kỷ trước, ông Lý Quang Diệu từng mơ ước có một ngày “Singapore sẽ phát triển được như Sài Gòn”.
Chuyên gia Trương Thái Du, trong một bài viết từng nhận xét việc ngợi ca “hòn ngọc Viễn Đông” là “số một” chỉ là suy nghĩ của những người Việt hoài cổ và dí dỏm sau 1975. Ông đã từng ghé qua Singapore, Kuala Lumpur và Bangkok nhiều lần và rất buồn khi nghiệm ra Sài Gòn trước nay vẫn thua Singapore và Bangkok rất xa.Dù sau này, Pháp đã đầu tư mạnh mẽ nhằm biến Sài Gòn trở thành thủ phủ của bán đảo Đông Dương song không có căn cứ để khẳng định Sài Gòn từng là số một của khu vực tại thời điểm đó, nếu chỉ dựa mỹ từ “hòn ngọc Viễn Đông”.
Ông Du dẫn ra số liệu thống kê của hai giáo sư kinh tế học Jean-Pascal Bassino và Pierre van der Eng về tổng thu nhập quốc dân (GDP) của các nước Đông Nam Á, từ năm 1913 đến năm 1970, kinh tế Việt Nam (cả miền Bắc và miền Nam) hầu như luôn thấp hơn Malaya (tiền thân của Malaysia với Singapore là đặc khu kinh tế), Philippines, Thái Lan (không có số liệu trước 1950).GDP Malaya thường gấp 2-3 lần so với Việt Nam.
Có chuyên gia khẳng định Sài Gòn chưa bao giờ là số 1 khi trích dẫn sách “Pháp du hành nhật ký” của học giả Phạm Quỳnh viết năm 1922 ghi nhận về Singapore, có đoạn mô tả: "Mặt trời mới mọc, trông vào bến Singapore, không cảnh gì đẹp bằng...
Cửa Hải Phòng, cửa Sài Gòn của ta kể cũng khá to, nhưng sánh với cửa Singapore này còn kém xa nhiều. Bến liền nhau với bể, chạy dài đến mấy nghìn thước, tàu đỗ không biết cơ man nào mà kể...
Xe hơi ở Singapore thật không biết cơ man nào mà kể, nào xe riêng, nào xe thuê, cả ngày chạy như mắc cửi. Vào đến Sài Gòn, thấy xe hơi chạy đường Catinat đã lấy làm nhiều, nhưng xe hơi ở Singapore lại còn nhiều hơn nữa, và ở Singapore đường phố nào cũng như đường Catinat hết thảy”.
Theo chuyên gia Trương Thái Du, những số liệu trích dẫn trên chứng tỏ rằng Sài Gòn chưa bao giờ đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Và,danh xưng hào nhoáng “hòn ngọc Viễn Đông” thực chất chỉ là nhằm quảng bá du lịch.
Nhiều ý kiến cho rằng sự tôn vinh Sài Gòn là “hòn ngọc Viễn Đông” mang yếu tố tâm lý của du khách phương Tây ngày ấy. Theo Kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn, sau chuyến hải hành kéo dài cả tháng trời trên biển, từ hải cảng Marseille miền nam nước Pháp qua Địa Trung Hải, xuyên kênh đào Suez vượt Ấn Độ Dương sóng to gió lớn, lách qua eo biển Malacca vào vịnh Ghềnh Rái, không khó để suy ra tâm trạng mệt nhọc, buồn chán của khách lữ hành, cả tháng ròng chỉ thấy trời và nước.
Khi trạng thái rã rời đã lên đến đỉnh điểm mà phải theo sông Lòng Tàu xuyên qua rừng ngập mặn Cần Giờ của xứ nhiệt đới vốn xa lạ với nhiều người châu Âu, trong tâm trạng cùng cực của cô đơn ấy, cảm xúc của du khách bừng lên mãnh liệt khi một thành phố Sài Gòn mang đường nét phương Tây xuất hiện đột ngột trước mắt. 
“Ngủ khách sạn Continental, khách sạn Majestic, ăn thịt bò beefsteak, uống rượu chát vùng Bordeaux, thưởng thức xì gà La Habana, săn bò rừng, lấy da cọp, hút thuốc phiện và vui vẻ với các cô gái bản địa, đối với đám thủy thủ tàu viễn dương và đám thực dân đến từ vùng Viễn Tây, Sài Gòn được ngợi ca là “Hòn ngọc Viễn Đông” đâu có gì lạ”, chuyên gia này lý giải. 

Không phải là hòn ngọc của người lao động nghèo

Nhiều chuyên gia cho rằng, Sài Gòn ngày xưa dù có lộng lẫy đến mấy vẫn không là hòn ngọc đối với thợ thuyền, công nhân xưởng đóng tàu Ba Son, các cu li, bốc vác ở cảng Sài Gòn hay phu xe kéo và đông đảo người dân lao động bản xứ phải chạy ăn từng bữa mang trên mình thân phận nô lệ, mất nước, mất độc lập tự do. Quá khứ về một “Hòn ngọc Viễn Đông” với những dấu ấn thuộc địa chẳng có gì đáng tự hào so với một đầu tàu kinh tế năng động TPHCM hôm nay.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.