Sắc xanh ở COP28 Dubai

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tác nghiệp tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai, UAE là một trải nghiệm thú vị đối với mỗi phóng viên, nhà báo. Bởi ở đó, không chỉ có sự hiện diện của các nhà lãnh đạo trên thế giới, mà còn có mặt của những người yêu màu xanh toàn cầu đổ đến, nhằm truyền đi thông điệp mạnh mẽ về sứ mệnh và trách nhiệm trong việc “làm mát lành trái đất”.

Với khoảng 90.000 đại biểu, bao gồm cả nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Chính phủ và các nhà lãnh đạo thế giới, từ 197 quốc gia, EU và hàng nghìn tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, nhóm thanh niên và các bên liên quan. Hội nghị COP28 là sự kiện lớn, thể hiện sự quan tâm và cả lo lắng của thế giới trước tác động ngày càng nghiêm trọng, vượt mọi kịch bản ứng phó, đòi hỏi các quốc gia cần hành động khẩn trương và quyết liệt để đạt được các mục tiêu đề ra.

Ấn tượng Expo City

Sắc xanh ở COP28 Dubai ảnh 1

Hội nghị COP28 tại Dubai, UAE. Ảnh: Ban Tổ chức hội nghị

Được tổ chức tại Expo City Dubai, một khu vực được xây dựng trên một khu đất rộng lớn, nằm giữa thành phố Dubai và Abu Dhabi (UAE). Đây là điểm đến hiện đại, được xây dựng để thúc đẩy các nguyên tắc bền vững và tuần hoàn, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi du khách và người dân, đồng thời là nơi tổ chức nhiều chương trình sự kiện đẳng cấp thế giới.

Từ Dubai di chuyển đến Expo City rất dễ dàng, thuận lợi, bằng nhiều loại hình khác nhau, từ tàu điện ngầm, xe buýt, ô tô… Trong Expo City Dubai, có hai khu vực được gọi là Vùng Xanh lam và Vùng Xanh lục. Vùng Xanh lam là địa điểm do UNFCCC quản lý, dành cho các bên được công nhận (các nhà đàm phán quốc gia) và các đại biểu quan sát, giới truyền thông và các nhà lãnh đạo thế giới.

Sắc xanh ở COP28 Dubai ảnh 2

Các tổ chức và cá nhân hoạt động môi trường tại Hội nghị COP28

Còn Vùng Xanh lục là khu vực do Chủ tịch COP28 UAE quản lý và cung cấp. Khu vực này được thiết kế dành cho các đại biểu không có chứng chỉ chính thức từ COP28 để tăng cơ hội cho nhiều đối tượng, bao gồm các nhóm thanh niên, xã hội dân sự, tư nhân và các nhóm bản địa để họ có thể tham gia và góp phần vào cuộc đối thoại và nhận thức nhằm đạt được hành động chống biến đổi khí hậu. Vùng Xanh lục cũng là nơi hy vọng truyền cảm hứng cho hành động, nơi những câu chuyện và dự án khí hậu của các nhà hoạt động COP28 có thể được kể và chia sẻ rộng rãi…

Hội nghị COP28, được tổ chức từ ngày 30/11 đến ngày 13/12/2023 tại Expo City, Dubai, UAE. Hội nghị ban đầu dự kiến ​​kết thúc vào ngày 12/12, nhưng đã phải kéo dài sang ngày 13/12 để đạt được thỏa thuận cuối cùng giữa các quốc gia liên quan. Theo đó, các quốc gia tham dự COP28 đã nhất trí thông qua một thỏa thuận về khí hậu, trong đó lần đầu tiên từ trước đến nay kêu gọi thế giới “giảm thiểu” sản xuất và sử dụng nhiên liệu hóa thạch như dầu khí và than đá, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây thực sự là một bước ngoặt đối với thế giới trong công cuộc cắt giảm khí thải nhà kính gây biến đổi khí hậu, báo hiệu sự kết thúc sớm của “kỷ nguyên dầu mỏ”.

Trong ngày đầu tiên của Lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh (ngày1/12/2023), sau khoảng gần 1 giờ di chuyển bằng ô tô từ trung tâm thành phố Dubai, chúng tôi có mặt tại Expo City Dubai để làm các thủ tục vào khu vực chính. Quảng đường từ khu vực xếp hàng làm thủ tục vào bên trong trung tâm Expo City - nơi diễn ra các sự kiện chính chỉ dài khoảng 300 mét nhưng để vào được là một hành trình dài xếp hàng, chờ đợi, làm thủ tục do số lượng đại biểu đến tham dự hội nghị quá lớn.

Để bảo đảm việc xếp hàng, Ban tổ chức đã tạo ra các lối đi zic zắc, đủ dài và đủ rộng cho hàng nghìn người thay nhau làm thủ tục ra, vào. Tại thời điểm chúng tôi có mặt, hàng nghìn người đã xếp hàng chờ đợi từ sớm. Số lượng người tham dự đông, thời gian chờ đợi dài, tuy nhiên khuôn mặt ai cũng chứa đựng nhiều kỳ vọng về sự thành công của hội nghị trong việc làm dịu đi cái nóng của toàn cầu.

Sau hơn 2 giờ xếp hàng, trải qua nhiều thủ tục an ninh, cuối cùng, chúng tôi cũng vào được khu vực bên trong. Đó là một khu vực rộng lớn, được thiết kế với hình thức bắt mắt, với tông chủ đạo là màu xanh như ước vọng về một trái đất xanh hơn, mát lành hơn. Trung tâm báo chí nằm ở trong một khu phức hợp rộng lớn, có thể đáp ứng được cho hàng nghìn người tác nghiệp. Mạng internet với tốc độ cao, bảo đảm khả năng truyền tải thông tin nhanh chóng, kịp thời. Hệ thống màn hình được lắp đặt nhiều nơi, nhiều chỗ, đáp ứng yêu cầu thông tin.

Thỏa thuận lịch sử

Ở Expo City, những ngày diễn ra Hội nghị COP28, không chỉ có sự xuất hiện của những nhà lãnh đạo lớn trên thế giới mà còn có những người yêu môi trường, người dân đại diện cho các vùng đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu. Từ châu Phi, châu Úc, Nam Mỹ, châu Á, các đại biểu đại diện cho các quốc gia, người dân bản địa đã mang đến hội nghị những bản sắc văn hóa rất riêng của mình thông qua các trang phục, các vũ điệu… Cùng với đó, họ cũng truyền đi thông điệp và mong muốn các nhà lãnh đạo trên thế giới có những hành động thiết thực, cụ thể để rút ngắn khoảng cách giữa cam kết và hành động trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Năm 2023, được coi là một trong những năm nóng nhất lịch sử, khiến nhiều khu vực băng tan nhanh chưa từng có. Ở nhiều khu vực, quốc gia, nước biển dâng, hạn hán, lũ lụt, sụt lún, sạt lở, cháy rừng trở nên tàn khốc hơn. Nhiều lãnh thổ, cộng đồng có nguy cơ bị ngập lụt, nhấn chìm. Vì thế, lời kêu gọi vì sự phát triển bền vững, vì sự mát lành của trái đất âm vang trong suốt những ngày diễn ra Hội nghị COP28.

Trong Lễ khai mạc COP28, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Tổng thống UAE, Tổng thống Brazil đều nhấn mạnh tính cấp thiết của việc ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu. Các nhà lãnh đạo cho rằng Hội nghị COP28 là niềm hi vọng của thế giới, đánh dấu bước ngoặt mang tính chuyển đổi, trên cơ sở đánh giá tổng thể tiến bộ đạt được kể từ khi Thỏa thuận Paris được thông qua vào năm 2015 sẽ đề ra phương hướng hành động cho thời gian tới. Trong đó, các hành động khí hậu cần hướng đến tiếp tục giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu; chuyển đổi năng lượng công bằng; tăng cường tài chính khí hậu, nhất là tăng gấp đôi tài chính khí hậu cho giai đoạn sau năm 2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong bài phát biểu tại hội nghị đã đưa ra cảnh báo “hệ thống khí hậu toàn cầu gần đến giới hạn đỏ”. Trong khi đó, khoảng cách giữa cam kết và hành động khí hậu vẫn còn xa, và sự cạnh tranh, chia rẽ, phân tách, chiến tranh, xung đột, dịch bệnh càng làm phân tán nguồn lực cho biến đổi khí hậu. Từ đó, Thủ tướng nêu chìa khóa để củng cố lòng tin giữa các quốc gia và khai thông bế tắc trong đàm phán về biến đổi khí hậu chính là “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện”.

Tại hội nghị, vấn đề loại bỏ nhiên liệu hóa thạch là một trong vấn đề gây nhiều chia rẽ, tranh cãi. Nhóm các quốc gia sản xuất dầu mỏ phản đối việc loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch. Trong khi, một nhóm các quốc gia bày tỏ sự không hài lòng với việc xem nhẹ việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Tuy nhiên, sau các cuộc đàm phán, vào những phút chót, tất cả các nước đã thông qua một thỏa thuận lịch sử về khí hậu, trong đó lần đầu tiên nội dung cắt giảm nhiên liệu hóa thạch xuất hiện trong tuyên bố chung. Đây được đánh giá là bước ngoặt đối với thế giới trong việc cắt giảm khí thải nhà kính gây biến đổi khí hậu, vì màu xanh, vì sự mát lành của trái đất.

MỚI - NÓNG
Phó Chủ tịch ICDV gọi núi Bà Đen là “thiên đường” khi đến tham quan và thảo luận về Vesak 2025
Phó Chủ tịch ICDV gọi núi Bà Đen là “thiên đường” khi đến tham quan và thảo luận về Vesak 2025
Ngày 28/9/2024, khu du lịch núi Bà Đen Tây Ninh đón Ban tổ chức cùng đoàn đại biểu của Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (ICDV) đến thăm và Thảo luận chương trình Đại lễ Vesak 2025. Tại đây, các đại biểu đồng nhất cho rằng núi Bà Đen sẽ là điểm phải đến của hàng nghìn đại biểu trong dịp Đại lễ Vesak.