Ngày 6/6, Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2024/NĐ-CP, quy định về xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân (NSND), nghệ sĩ ưu tú (NSƯT).
Theo quy định, danh hiệu NSND được xét tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn trung thành với Tổ quốc, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương.
Nghệ sĩ nhân dân phải có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề, có tài năng nghệ thuật tiêu biểu xuất sắc cho loại hình, ngành, nghề văn hóa, nghệ thuật được tôn vinh.
Họ phải có uy tín nghề nghiệp, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, được đồng nghiệp và nhân dân ghi nhận, mến mộ.
NSND phải có uy tín nghề nghiệp, được đồng nghiệp và nhân dân ghi nhận, mến mộ. Ảnh: Gia Linh. |
Về thời gian hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp. NSND phải hoạt động liên tục hoặc cộng dồn từ 20 năm trở lên (hoặc 15 năm trở lên đối với loại hình nghệ thuật xiếc, múa).
Nghệ sĩ được xét tặng danh hiệu NSND khi đã được tặng danh hiệu NSƯT, sau đó tiếp tục đạt một trong các tiêu chí về giải thưởng trong nước hoặc quốc tế.
Danh hiệu NSƯT được xét tặng cho cá nhân có thời gian hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên (hoặc 10 năm trở lên đối với loại hình nghệ thuật xiếc, múa). Họ cũng phải đạt một trong các tiêu chí theo quy định về giải thưởng.
Một số nghệ sĩ được trao danh hiệu NSND, NSƯT trong đợt trao tặng mới nhất, diễn ra tháng 3. |
Năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) có báo cáo về một số bất cập khi xây dựng dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.
Những đối tượng được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT quy định tại Nghị định số 89/2014/NĐ-CP cần phải được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với quy định của Luật Thi đua, khen thưởng số 06/2022/QH15. Theo Bộ VHTTDL, có một số đối tượng mới, cần phải đánh giá tác động chính sách theo quy định.