Quay quắt giữa nắng cháy và khô hạn

Học sinh phải lắng nước cợn để dùng sinh hoạt
Học sinh phải lắng nước cợn để dùng sinh hoạt
TP - Người dân Nghệ An tiếp tục quay quắt chống chọi với nắng nóng như thiêu đốt. Ở một số vùng nông thôn, miền núi không mấy ai dám lên nương lên rẫy hoặc ra đồng. Nhiều công trình xây dựng ở TP Vinh (Nghệ An) người lao động phải nghỉ việc.

 > Mưu sinh bên lửa hồng giữa 'chảo' nắng nóng

Học sinh phải lắng nước cợn để dùng sinh hoạt
Học sinh phải lắng nước cợn để dùng sinh hoạt.

Gồng mình

Anh Lưu Đình Tú, công nhân xây dựng nhà cao tầng ở Vinh cho biết, mấy hôm nay tổ thợ của anh chỉ làm việc nửa đầu buổi sáng và nửa cuối buổi chiều.

Một số em học sinh nội trú ở Câu lạc bộ thể thao Nghệ An tránh nóng bằng cách dùng chậu nước đặt trước quạt điện để lấy hơi nước. Đáng nói, trong khi bà con chống chọi với nóng bức thì tối 2-5, một số nơi ở TP Vinh bị mất điện.

Ở các huyện Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Hợp, Con Cuông..., nước tưới và nước sinh hoạt có nguy cơ bị khô hạn. Nhiều con khe, con suối vùng núi khô dần. Rất nhiều bản làng thuộc các huyện miền tây Nghệ An đang phải dùng sức nước của khe suối cho tua bin phát điện, nhưng nước khe suối khô tận đáy nên bà con không có điện dùng.

Một số công trình nước sạch được lấy từ khe suối về ở địa bàn xã Huồi Tụ, Mỹ Lý, Phà Đánh (huyện biên giới Kỳ Sơn) phải nằm phơi nắng. Người dân phải đi bộ sâu vào rừng có khi cả nửa ngày trời mới cõng được nước về nhà.

Em Lò Y Zếnh, học sinh trường THCS Mỹ Lý nói, bể nước sạch bị khô, học sinh và giáo viên nội trú phải ra sông Nậm Nơn đào hố lóng nước qua lớp cát đá từ sáng sớm, chiều mới ra sông múc nước mang về. Hiện ở huyện Kỳ Sơn có khoảng 1/3 trạm y tế không đủ nước sạch để phục vụ bệnh nhân.

Chị Cụt Thị Thơm, người dân bản Huồi Đun, xã Huồi Tụ, Kỳ Sơn mất cả buổi mới cõng được một ống nước về bản, nhưng chỉ đủ để nấu ăn, rửa mặt. Còn tắm rửa là chuyện xa xỉ.

Đối mặt giặc lửa

Một số địa phương đã xảy ra các vụ cháy rừng lớn như ở Nghi Lộc, Thanh Chương. Tối 2-5, tại xã Võ Liệt và Thanh Long (huyện Thanh Chương, Nghệ An) đã xảy ra cháy rừng. Đám cháy xuất phát từ rừng keo của người dân đang đến kỳ thu hoạch.

Cơ quan chức năng đã huy động hàng trăm dân quân tự vệ, lực lượng dân tại chỗ để chữa cháy. Theo lãnh đạo xã Võ Liệt, diện tích rừng bị cháy khoảng 3-5ha. Trước đó, 16h ngày 1-5, hơn 2 ha rừng thông thuộc xã Nghi Kiều (huyện Nghi Lộc) bị lửa thiêu rụi.

Khu tập thể giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinh cũng bị cháy trong đợt nắng nóng này. Thầy giáo Phan Văn Bắc cho biết, sau vụ cháy, 4 gia đình giáo viên vốn đã khó khăn, nay lại chịu cảnh màn trời chiếu đất, vì ngọn lửa thiêu rụi nhà cửa và đồ đạc. Hầu hết gia đình giáo viên ở đây đều là gia đình trẻ, điều kiện kinh tế, công việc chưa ổn định.

Cũng vì nắng nóng, trong 10 ngày qua ở Nghệ An có tới 8 em học sinh chết đuối vì đi tắm sông, tắm suối.

Bác sỹ Dương Công Hoạt (Thầy thuốc nhân dân- GĐ Bệnh viện Nhi Nghệ An) cho biết, nắng nóng dễ gây nên tình trạng sốt, viêm phổi, viêm đường hô hấp hay tiêu chảy ở trẻ em.

Lượng bệnh nhân tăng đột biến khiến BV Nhi Nghệ An những ngày qua luôn quá tải. Một phòng 3 giường bệnh phải gánh 7-8 bệnh nhân, có phòng lên đến 10 bệnh nhân. Bệnh viện đã phải mở thêm buồng khám và cắt đặt lịch trực, khám ngoài giờ nhưng cũng không xuể.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Lộ mức lương cao nhất Cần Thơ
Lộ mức lương cao nhất Cần Thơ
TPO - Năm nay, tiền lương bình quân của người lao động tại Cần Thơ đạt hơn 8,3 triệu đồng/người/tháng. Người được trả lương cao nhất tại Cần Thơ là hơn 151 triệu đồng/tháng ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).