Bộ Quốc phòng Mỹ vừa ký hợp đồng 62 triệu USD với nhà thầu Lockheed Martin để hãng này thực hiện giai đoạn kỹ thuật và sản xuất của PrSM sau bốn lần thử nghiệm bắn thử thành công, Breaking Defense đưa tin ngày 1/10.
Chương trình PrSM được thiết kế để thay thế hệ thống tên lửa chiến thuật của quân đội Mỹ thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tên lửa chiến thuật có tầm bắn tối đa 300 km, trong khi tên lửa tấn công chính xác thuộc PrSM có tầm bắn 500 km và sẽ được cải tiến để bay xa 1.000 km.
Bà Becky Withrow, giám đốc phát triển kinh doanh bộ phận tên lửa và kiểm soát hỏa lực của Lockheed Martin, nói: “Cột mốc quan trọng này là bước tiếp theo để hoàn thiện PrSM”. Lockheed Martin sẽ tiếp tục phát triển PrSM, bao gồm đánh giá chất lượng hệ thống, các hoạt động sẵn sàng sản xuất cũng như kiểm tra và đánh giá hoạt động ban đầu.
Ông Darrell Ames, người phát ngôn Văn phòng điều hành chương trình tên lửa và không gian của quân đội Mỹ, cho biết, PrSM đang chuẩn bị cho lần bắn thử thứ 5. Tên lửa mới sẽ được trang bị cho các lực lượng quân đội Mỹ vào năm 2023 và được nâng cấp vào năm 2025.
Trong đợt thử nghiệm trước đây ở trường bắn tên lửa White Sands (bang New Mexico), tên lửa tấn công chính xác thuộc chương trình PrSM đã bay xa 400 km. Tầm bắn này có nghĩa rằng, PrSM có khả năng bắn hạ tàu đối phương, giống như tên lửa diệt hạm NMESIS của quân đoàn thủy quân lục chiến Mỹ hoặc giống như hệ thống phòng không từ xa.
Thủy quân lục chiến phóng thử tên lửa nhằm vào tàu cũ trên biển ngày 15/8/2021. Ảnh: U.S. Marines. |
Lính thủy đánh bộ Mỹ bắn thử tên lửa diệt hạm
Quân đoàn thủy quân lục chiến Mỹ coi NMESIS, tên lửa diệt hạm mới phóng từ đất liền, là ưu tiên hiện đại hóa vũ khí số một của lực lượng này. Hồi tháng 8, họ bắn thử 2 lần và đều bắn trúng mục tiêu (tàu cũ đã ngừng hoạt động) và thực hành lắp và tháo dỡ NMESIS trên máy bay vận tải đa năng hạng trung C-130. Nhiều nhà phân tích cho rằng, NMESIS (hệ thống ngăn chặn tàu viễn chinh thủy quân lục chiến hải quân) được phát triển chủ yếu để nhằm vào Trung Quốc.
Dò tìm, theo dõi mục tiêu di động
Quân đội Mỹ đang muốn có thêm 5 triệu USD để nghiên cứu các công nghệ trọng yếu nhằm nâng tầm bắn của PrSM lên 1.000 km hoặc hơn. Quân đội Mỹ cũng có kế hoạch mua 110 tên lửa trị giá khoảng 166 triệu USD trong năm tài khóa 2022.
Trong kế hoạch nâng cấp PrSM, quân đội Mỹ muốn nâng cấp bộ phận dò tìm để tên lửa có thể tấn công chính xác hơn vào các mục tiêu đang di chuyển, như tàu chiến trên biển. Thiết bị dò tìm đa chế độ của tên lửa PrSM sẽ phát hiện tần số vô tuyến của tàu chiến từ hệ thống liên lạc và radar của đối phương để theo dõi mục tiêu.
Trung tướng Mỹ Thomas Todd nói rằng, chương trình PrSM sẽ giúp bỏ tiếng xấu của lục quân rằng đây là “thung lũng tử thần” vì nhiều dự án phát triển vũ khí mới cuối cùng thất bại, không tới được giai đoạn sản xuất.
PrSM sẽ tham gia sự kiện tập trận và thử nghiệm tính tương tác của nhiều hệ thống hiện đại hóa vũ khí Project Convergence 21 ở bang Arizona vào tuần tới. Theo đó, sẽ cùng lúc phóng thử một cặp tên lửa PrSM từ xe tải HIMARS.
Xe tải HIMARS (hệ thống rốc-két pháo cơ động cao) là hệ thống phóng rốc-két hàng loạt gắn trên một khung xe chiến thuật tầm trung (FMTV). Ảnh: Armyrecognition. |