Đô đốc Mỹ nói tên lửa diệt hạm không giúp Trung Quốc thắng nếu chiến tranh xảy ra

"Sát thủ diệt hạm" DF-21 xuất hiện trong cuộc diễn binh năm 2015 ở Bắc Kinh. (Ảnh: AP)
"Sát thủ diệt hạm" DF-21 xuất hiện trong cuộc diễn binh năm 2015 ở Bắc Kinh. (Ảnh: AP)
TPO - Một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ vừa nói rằng Trung Quốc “đang đổ nhiều tiền” vào các loại tên lửa đạn đạo chống hạm, nhưng chúng có thể không giúp quân đội Trung Quốc chiến thắng nếu xung đột giữa hai nước nổ ra.

Phó đô đốc Jeffrey Trussler, phó tư lệnh chiến dịch trên biển phụ trách mảng chiến tranh thông tin, nói rằng Mỹ đang giám sát chặt chẽ chương trình tên lửa của Trung Quốc và gọi đây là nỗ lực gây bất ổn khu vực. 

“Tôi sẽ không đi sâu vào chi tiết về những gì chúng ta đã biết và không biết về nó. Nhưng họ đang đổ rất nhiều tiền vào Biển Đông bằng năng lực tên lửa chống hạm. Đó là nỗ lực gây bất ổn ở Biển Đông, biển Hoa Đông. Khi họ có yêu sách với các đảo tranh chấp, họ quân sự hoá chúng”, ông Trussler nói tại một sự kiện trực tuyến do Liên minh tình báo và an ninh quốc gia tổ chức, trang tin quân sự USNI đưa tin.

Một số báo đưa tin hồi tháng 8 năm ngoái rằng quân đội Trung Quốc đã thử bắn tên lửa DF-26B và DF-21D, loại được mệnh danh là “sát thủ diệt hạm”, ở khu vực giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép. 

Quân đội Mỹ xác nhận hai vụ phóng đã diễn ra. Trung Quốc không chính thức xác nhận. Nhưng ông Wang Xiangsui, cựu đại tá quân đội Trung Quốc và hiện là giáo sư giảng dạy tại ĐH Hàng không Bắc Kinh, nói rằng một tên lửa đã bắn trúng con tàu đang di chuyển gần Hoàng Sa. 

Hai tên lửa được phóng sau khi Bắc Kinh nói rằng một máy bay do thám U-2 của Mỹ đã đi vào vùng cấm bay trong lúc Trung Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật trên biển Bột Hải. 

“Chương trình tên lửa của Trung Quốc là thứ chúng tôi theo dõi sát sao. Nó sẽ làm xáo trộn trật tự quốc tế và gây lo ngại cho các nước ở khu vực. Đó là một lý do mà chúng tôi làm việc để bảo đảm giao thông toàn cầu được thông thoáng và tàu thuyền tự do đi lại”, ông Trussler được USNI dẫn lời. 

“Chúng tôi theo dõi rất chặt chẽ. Tôi hy vọng họ chỉ đổ tiền vào kiểu đó, cái có thể không phải cách chúng ta chiến thắng trong cuộc chiến tranh tiếp theo”, ông nói thêm.

Ông Trussler cho biết Hải quân Mỹ cũng đang theo dõi tên lửa DF-26, loại được nói là có tầm bắn lên đến 4.000km. 

Tên lửa lưỡng năng DF-26 là loại bị cấm theo Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung mà Mỹ ký với Liên Xô từ cuối Chiến tranh Lạnh. Khi rút khỏi hiệp ước này năm 2019, Mỹ nói lý do là vì Trung Quốc đã có loại vũ khí này. 

DF-21 có tầm xa khoảng 1.800km. Báo chí Trung Quốc gọi đây là dòng hiện đại nhất và là tên lửa chống hạm đầu tiên trên thế giới. 

Các nhà phân tích quân sự nói rằng phát biểu của ông Trussler cho thấy Mỹ đang phát triển năng lực đối phó với tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc. 

“Điều ông Trussler nói có nghĩa là Mỹ có đủ sức mạnh để đối phó với mối đe doạ từ tên lửa diệt hạm của Trung Quốc. Mỹ đang chú ý đến mối đe doạ đó và sẽ tiếp tục phát triển năng lực chống tên lửa Trung Quốc”, ông Song Zhongping, một nhà bình luận quân sự ở Hong Kong, đánh giá. 

Ông Collin Koh, một nhà nghiên cứu tại Trường Quốc tế học S. Rajaratnam thuộc ĐH Công nghệ Nanyang Singapore, nói rằng Mỹ đang đầu tư vào các loại vũ khí siêu thanh và hệ thống laser cho tàu có thể dùng để đối phó với mối đe doạ từ Trung Quốc. 

“Hiện tại, quân đội Mỹ có một mạng lưới phòng thủ tên lửa phát triển toàn diện, trong đó coi trọng các hệ thống liên quan đến tàu”, ông Koh nói. 

Ông Koh lấy ví dụ là các mẫu hệ thống phòng thủ Aegis bờ biển mới và các loại tên lửa đánh chặn SM-3 và SM-6 được vệ tinh cảnh báo sớm hỗ trợ để phát hiện tên lửa đạn đạo đang lao tới. 

“Mỹ đã thực hiện nhiều vụ thử hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, đặc biệt từ Hawaii, cũng như các cuộc tập trận phòng thủ tên lửa cũng các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc”, ông Koh nói. 

Theo Theo USNI
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.