Bộ ba đầu trọc và cuộc chơi nhạc đương đại

Bộ ba đầu trọc và cuộc chơi nhạc đương đại
TP - Gần đây, người ta bắt đầu xì xào về nhóm nhạc của Ngọc Đại (cùng 2 nữ ca sĩ Linh Dung và Thanh Lâm). Nghe nói nhóm hình thành vào cuối năm 2006 với “dấu hiệu” là 3 mái đầu trọc.
Bộ ba đầu trọc và cuộc chơi nhạc đương đại ảnh 1
Ngọc Đại, Linh Dung và Thanh Lâm

Nhạc sĩ Ngọc Đại cùng 2 nữ ca sĩ Linh Dung và Thanh Lâm đã ra mắt ở một số nơi nhưng nổi đình đám nhất là lần ra trước hàng trăm nhà thơ và bạn yêu thơ tại Văn Miếu, trong Ngày Thơ Việt Nam Rằm tháng Giêng năm nay.

Âm nhạc của Ngọc Đại đầy biểu cảm, có phần man dại qua giọng hát (có cả hú hét, âm ư, hầm hừ...) như rút gan rút ruột của Linh Dung và Thanh Lâm đã gây được sự chú ý cho khán giả…

Ngọc Đại từng tuyên bố sẽ làm 7 Nhật thực tất cả. Nhưng sau Nhật thực 2 (năm 2004) anh tự nhiên bặt tăm. Hóa ra, từ cuối năm 2004, anh chủ yếu sống ở Bỉ cùng vợ và con. Đến giữa năm 2006 anh trở về và bắt tay vào thực hiện “dự án” Đại Lâm Linh (ghép tên của 3 nhân vật chính trong dự án: Ngọc Đại, Thanh Lâm và Linh Dung) tại VN.

Nhạc sĩ Ngọc Đại tâm sự: Tôi gặp hai cô ca sỹ này và đã định kết hợp làm việc với họ trước cả Trần Thu Hà. Nhưng rồi “duyên chưa bén”... Bắt đầu từ tháng 9/2006, chúng tôi tập luyện hàng ngày với nhau. Bất cứ giờ nào cả ba rảnh (có hôm là... đêm) là lại luyện tập ở căn nhà nhỏ bé của tôi trên phố Đào Tấn.

Cái “duyên” của bộ ba cũng giản đơn khi nói ra nhưng không dễ thực hiện: Cả 3 đều có cá tính mạnh, đều thích chơi nhạc đến cùng, đều muốn tìm tòi, thậm chí phá cách không chịu được lối mòn và nhàm chán.

Chúng tôi đã trao đổi cởi mở với bộ ba này về âm nhạc đương đại, cái họ đang theo đuổi.

Ngọc Đại, Linh Dung và Thanh Lâm dường như có cùng nguồn cảm hứng khi “nhập đồng” trên sàn diễn?

Ngọc Đại: Vâng, bạn gọi là “nhập đồng” cũng được. Với chúng tôi đó là niềm đam mê. Tiền bạc và danh vọng đều rất quan trọng nhưng với chúng tôi niềm đam mê nghệ thuật là quan trọng hơn cả.

Còn về âm nhạc của tôi, nó rất tự nhiên. Nếu các bạn chú ý đến nó, rất tốt. Nhưng nếu các bạn không chú ý, bạn đang làm gì đó, thậm chí nói chuyện cũng chẳng ảnh hưởng gì vì tôi tin nó vẫn cứ vang lên trong bạn. Chúng tôi không bó buộc theo quy chuẩn nào mà tuân theo cảm xúc, quan trọng là tha thiết, mãnh liệt. Những lúc khác nhau Linh Dung và Thanh Lâm hát khác nhau với những cảm xúc hoàn toàn khác. Tôi không bắt các bạn ấy hát theo ý của tôi, tôi chỉ gợi ý, còn cảm giác là của các bạn ấy. Đó chính là những nguyên tắc của âm nhạc đương đại.

Linh Dung: Mình luôn tìm cảm xúc từ chính bản thân, cơ thể đòi hỏi cái gì, khát khao cái gì thì mình thể hiện ra như thế. Mình luôn tự tạo cảm xúc nghệ thuật gần với bài hát khi lên sân khấu chứ không phải trước khi hát bực tức chuyện gì đó cũng bê luôn vào âm nhạc (cười). Bọn mình thường đùa với nhau là “tự phê mà không cần thuốc”.

Thanh Lâm: Có nhiều âm sắc khác nhau trong một bài hát. Tất cả là những gì mình tưởng tượng ra gắn liền với đời sống. Chẳng hạn như anh Đại gợi ý hát chỗ này phải sắc. Vậy là mình tưởng tượng ra độ sắc nhọn, độ nặng, đanh, cứng, gằn của thép. Quan trọng là phải có sự tưởng tượng. Các bạn thử nghe nhé, như trong bài “Mơ”: “Này hỡi anh, này nỗi nhớ…” mình phải hát bằng cả tâm hồn, bằng một thứ tình cảm từ trong tim để biểu hiện ra được nỗi nhớ da diết. Như vậy, tất cả là những cảm xúc thực của đời sống, cảm nhận thế nào thì hát thế ấy.

Sáng tác của Ngọc Đại phần nhiều là thơ phổ nhạc. Anh quan niệm ca từ trong âm nhạc thế nào?

Ngọc Đại: Ca từ đối với người hát chỉ là chất liệu, là cái vỏ thôi, bên trong đó là giọng hát của ca sĩ và độ cảm nhận của họ về bài hát. Đó là những cảm giác luôn mới mẻ và linh động. Tôi nghĩ Linh Dung và Thanh Lâm đã có cách hát và xử lý bài hát khác với Trần Thu Hà nói riêng và lối hát bây giờ nói chung.

Các chị đến với âm nhạc của anh Ngọc Đại như thế nào?

Thanh Lâm: Mình rất thích âm nhạc của Ngọc Đại. Một thứ nhạc mà khi gặp được mình như bị hút hoàn toàn vào đó, toàn bộ tâm tư, tình cảm. Mê nó, thích được chơi nó, đắm mình vào trong đó, còn đạt được đến đâu là do khả năng và duyên trời. Đến gần 10 năm nay rồi mà vẫn cứ thế. Mình thực sự rất nể Ngọc Đại về chuyên môn, tài năng, chỉ thế thôi.

Linh Dung: Mình hát nhạc Ngọc Đại đầu tiên. Sau đó một thời gian mình cảm thấy chỉ hợp với một số bài vì lúc đó mình còn trẻ, cuộc sống chưa va vấp, kỹ thuật non, mà nhạc của anh Đại thì cần kỹ thuật tốt, đời sống phong phú... Rồi mình chuyển qua hát một số dòng nhạc khác. Hát một thời gian, tự mình cảm thấy chán chính mình, vì không tìm thấy mình trong những bài hát đó. Mình chỉ như giả vờ. 

Có người cho rằng nhạc của anh Đại đòi hỏi kỹ thuật rất cao. Vậy khi hát phải rất chuyên nghiệp?

Thanh Lâm: Có hai con đường dẫn đến thành công trong âm nhạc: chuyên nghiệp và không. Mình không xuất phát điểm từ chuyên nghiệp mà xuất phát từ niềm đam mê, hoàn toàn là đam mê. Có người được đào tạo rất chuyên nghiệp mà vẫn không hát được đó thôi. Mình tin rằng tự đào tạo mình thành chuyên nghiệp được khi hát với Dung và anh Đại.

Linh Dung: Chuyên nghiệp không nhất thiết là phải học tập ở một trường lớp nào đó, cần thiết hơn cả là tinh thần làm việc chuyên nghiệp. Bởi ngành nghề nào cũng thế, dù được đào tạo chuyên nghiệp song khi làm việc không nghiêm túc thì cũng không thể đạt đến sự chuyên nghiệp được.

Ngọc Đại: Với tôi thì có kỹ thuật càng tốt mà không có cũng chẳng sao. Vấn đề là mình có  tạo ra được một cái gì đó mới mẻ, lôi cuốn hay không.

Nhóm đều để đầu trọc, trông rất ấn tượng, anh chị sẽ giữ mãi phong cách này?

Thanh Lâm: Cũng không chắc được. Cuộc đời luôn luôn là những khám phá mới mà. 

Ngọc Đại, Linh Dung: (cười, không nói gì).

Âm nhạc Việt Nam sẽ phát  triển thế nào trong tương lai?

Ngọc Đại: Nếu so sánh với nền âm nhạc trong khu vực và thế giới thì âm nhạc VN hiện quá trì trệ và kém phát triển. Tôi nói như thế là có cả tôi trong đó. Tôi đang cố gắng để không bảo thủ và trì trệ. Đòi hỏi của công chúng có lẽ là rất cao nhưng âm nhạc hiện chưa đáp ứng hết được.

Còn nhóm bộ ba Ngọc Đại – Linh Dung - Thanh Lâm thì sao?

Ngọc Đại: Hy vọng chúng tôi thoát ra được những cái trì trệ.

Nghe nói anh đã hào hứng phát biểu: hãy chờ, tôi sẽ ra một chương trình mà có thể 50 năm sau người ta vẫn còn ấn tượng với nó! Anh, chị có thể tiết lộ về chương trình biểu diễn sắp tới?

Ngọc Đại: Làm gì tôi cũng hào hứng. Còn tuyên bố là vui thôi. Chương trình dự kiến là trong năm nay chứ chưa biết chính xác là khi nào.  

- Nhạc sĩ Ngọc Đại sinh ra trong một gánh hát. Lang thang theo cha là một nghệ nhân, từ nhỏ anh đã tiếp thu được vốn văn hoá dân gian Bắc Bộ, nhất là những giai điệu chèo. Thập niên 90, Ngọc Đại thành lập Trung tâm “Thời gian” quy tụ  nhiều nhạc công có tên tuổi hai miền Nam - Bắc.

- Linh Dung hiện còn đang theo học trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật quân đội. Dung đã có gia đình nhưng niềm đam mê âm nhạc trong cô dường như còn sôi nổi hơn trước.

- Thanh Lâm chưa qua đào tạo tại một trường chuyên nghiệp nào. Lâm có lối hát trong trẻo, hồn nhiên, cống hiến hết mình cho nghệ thuật.

MỚI - NÓNG