Liên hoan phim VN lần thứ 16: Cuộc trở lại quy mô

Liên hoan phim VN lần thứ 16: Cuộc trở lại quy mô
TP - 26 năm mới lại tổ chức ở TPHCM, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16 được ban tổ chức hứa hẹn sẽ hoành tráng, sôi nổi, chuyên sâu và ấm áp.

Lần tổ chức gần đây nhất của liên hoan phim Việt Nam (LHPVN, diễn ra hai năm một lần) ở TPHCM là năm 1983, quá lâu khi nơi đây là một trung tâm điện ảnh của đất nước, như Hà Nội. Trong năm ngày, hàng loạt hoạt động được ví như ngày hội điện ảnh sẽ diễn ra tại nhiều địa điểm.

Lễ khai mạc LHP diễn ra tối 8-12 tại White Palace truyền hình trực tiếp trên HTV7; bế mạc tối 12-12 tại Nhà hát Hòa Bình, trực tiếp trên HTV9.

Ngoài phim dự liên hoan, khán giả còn được xem phim nước ngoài chọn lọc. Các đoàn bạn đến dịp này có Mỹ, Trung Quốc, Phần Lan, Hàn Quốc, Nga, Lào, Campuchia. Giao lưu của nghệ sĩ với khán giả không chỉ diễn ra ở trung tâm thành phố mà về tới Củ Chi.

“Ấn tượng nhạc và phim” là tên chương trình tối 7-12 ở Nhà hát Hòa Bình, trình diễn các ca khúc nhạc phim được khán giả yêu thích. Có sự xuất hiện, giao lưu của các cặp bạn diễn ăn ý, vợ chồng nghệ sĩ nổi tiếng.

Hội chợ - lễ hội “Điện ảnh với công chúng” trưng bày, bán sản phẩm điện ảnh từ sáng 8-12, kéo suốt năm ngày.

Ngoài bốn cuộc giao lưu chính, có ba hội thảo chuyên đề: “Phim ngắn Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế” tại khách sạn Caravelle, “Xây dựng dự án và huy động vốn sản xuất phim” (khách sạn Kim Đô), “Làm phim công nghệ HD và công tác chiếu phim lưu động” (rạp Đống Đa). Một số hoạt động văn hóa, xã hội, từ thiện xen kẽ trong khuôn khổ liên hoan.

Ban tổ chức tỏ sự “đổi mới và hội nhập” cả trong việc thông tin, quảng bá. Ngoài Đặc san Thế giới điện ảnh thông tin chi tiết về phim dự lần này và thống kê các kỳ liên hoan trước, lần đầu tiên có một tờ Tin nhanh - như trong các LHP quốc tế, phục vụ đại biểu và khán giả.

Bông sen vàng xứng đáng?

Liên hoan phim VN lần thứ 16: Cuộc trở lại quy mô ảnh 1 Liên hoan phim VN lần thứ 16: Cuộc trở lại quy mô ảnh 2
Áp phích 2 phim Trăng nơi đáy giếng và Huyền thoại bất tử.

Hệ thống giải năm nay vẫn gồm bông sen vàng, bông sen bạc, giải của ban giám khảo, giải cá nhân cho mỗi thể loại, giải phim truyện nhựa do khán giả bình chọn.

Ngoài ra có giải của ban giám khảo báo chí dành cho phim truyện nhựa. Giải này do ban tổ chức phối hợp với Cục Báo chí - Bộ Thông tin & Truyền thông tổ chức.

Mỗi nhà báo chấm giải được phát một cặp tài liệu gồm thông tin về 15 phim dự liên hoan, quy chế chấm giải, giấy để ghi nhận xét, bút và một chiếc đèn pin (soi chỗ ngồi và đọc tài liệu).

Từ 3 đến 7-12 ở Trung tâm Chiếu phim Quốc gia - Hà Nội, báo chí ngồi xem phim cạnh giám khảo chính thức của thể loại phim truyện nhựa.

Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc có vẻ hăng say tranh luận nhất. Anh bảo: “Không cẩn thận thì trao nhầm giải âm nhạc như LHP trước. Xem Chuyện của Pao, tôi để ý generic có câu “Phim có sử dụng CD Đường xa vạn dặm của Quốc Trung. Thảo nào phim về miền núi mà thấy có cả ca Huế, dân ca đồng bằng Bắc bộ. Thế là nhạc chọn, đâu phải nhạc soạn cho phim.

Bản thân anh Quốc Trung cũng lên báo phát biểu, 90% nhạc phim Chuyện của Pao là (giải âm nhạc LHP 15 thuộc về Nguyễn Thiện Đạo, phim Chuyện của Pao) của tôi. Lần này cũng có những phim chọn nhạc chứ không phải soạn nhạc”.

Việc cho phép phim nhựa các thể loại (truyện, tài liệu, khoa học, hoạt  hình) của tất cả cơ sở điện ảnh sản xuất từ sau LHP 15 cho đến nửa cuối tháng 10-2009 dự thi khiến danh mục trở nên phong phú (trước kia chỉ ưu tiên phim truyện nhựa, còn thể loại khác được duyệt khoảng một nửa trở lên).

Theo ban tổ chức, phim truyện nhựa được ưu tiên bởi đầu tư lớn nhưng đầu ra thì chật vật. Phim làm ra mỗi năm quá ít. Xem 15 phim lần này thấy một bức tranh toàn cảnh, không chỉ tác phẩm “khá trở lên” chọi nhau.

Liên hoan chưa khai cuộc, có người trong cuộc phát biểu trên báo đại ý, mặt bằng phim dự liên hoan có độ vênh, chẳng hạn Chơi vơi đặt cạnh Giải cứu thần chết xem ra “chả liên quan gì”.

Có vị giám khảo phim truyện nhựa nhận xét “chưa từng thấy phim nào dở như phim này” sau khi xem một phim chưa chiếu rộng rãi.

Đừng đốt, Chơi vơi, Trái tim bé bỏng, Rừng đen, Trăng nơi đáy giếng, Chuyện tình xa xứ, Được sống, Hoài vũ trắng, Mười,  Huyền thoại bất tử, Em muốn làm người nổi tiếng, Không cân sức, Giải cứu thần chết, Duyên trần thoát tục, 14 ngày phép. Một LHP không có giải bông sen vàng phim truyện nhựa thường được coi là một LHP không trọn vẹn (chẳng hạn Thời xa vắng đoạt Bông Sen Bạc, giải cao nhất LHP tổ chức ở Tây Nguyên).

Theo quy chế năm nay, nhất định có giải vàng ở các thể loại. Giả sử cố trao bông sen vàng không xứng đáng, e rằng “vui là vui gượng kẻo mà”.

Năm nay may thay, có tín hiệu khả quan. Chờ đợi một không khí điện ảnh náo nhiệt trong đó khán giả đóng vai trò quan trọng không kém nhân vật chính - nghệ sĩ và nhà tổ chức. 

99 phim dự liên hoan (15 phim truyện nhựa, 11 truyện video, 20 phim hoạt hình, 53 phim tài liệu - khoa học) được chiếu theo lịch tại các rạp: Thăng Long B, Đại Đồng, Đống Đa, Galaxy (Nguyễn Du), rạp Fafilm.

Ban giám khảo phim truyện nhựa: Ông Trần Luân Kim (trưởng ban), đạo diễn Vũ Xuân Hưng, họa sĩ Phạm Quang Vĩnh, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, nhà biên kịch Chu Lai và Văn Lê, nhà quay phim Hoàng Tấn Phát, diễn viên Ngọc Hiệp.

MỚI - NÓNG