Sáp nhập huyện, xã: Bộ máy nặng nề, đông người khó tăng lương

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chủ trì cuộc họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thẳng thắn nêu ra thực trạng bộ máy nặng nề, dẫn đến khó tăng lương, mặt khác vì đông người nên có nhiều ý kiến, khó hiệu quả.

Chiều nay (28/2), Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2030.

Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh về tầm quan trọng của chủ trương này, với mục tiêu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả.

“So sánh với các quốc gia trên thế giới, đúng là bộ máy của chúng ta nặng nề thật. Chính vì vậy chúng ta khó tăng lương cho mọi người, mặt khác vì đông người nên có nhiều ý kiến, chúng ta khó làm cho hiệu quả”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông Trần Lưu Quang biểu dương Bộ Nội vụ - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo thời gian qua đã làm được rất nhiều việc. Theo ông, việc này khó nhất ở chỗ thời gian chỉ còn khoảng 6 tháng, đến tháng 9 phải trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sáp nhập huyện, xã: Bộ máy nặng nề, đông người khó tăng lương ảnh 1

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, chủ trương này cũng đụng chạm đến các địa phương, lại đụng chạm đến chế độ chính sách của rất nhiều người. Vì vậy, việc này đòi hỏi phải làm cho thật kỹ.

Thông tin tại cuộc họp, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đến ngày 31/12/2023, tất cả 56/56 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025 đã gửi phương án tổng thể đến Bộ Nội vụ.

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các Bộ, cơ quan trung ương liên quan, Bộ Nội vụ đã ban hành 56 văn bản tham gia ý kiến đối với phương án tổng thể của các địa phương. Hiện nay, các địa phương đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Đề án sắp xếp để tổ chức lấy ý kiến cử tri, thông qua Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Sáp nhập huyện, xã: Bộ máy nặng nề, đông người khó tăng lương ảnh 2

Ở cấp huyện, tổng số ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp là 50 đơn vị, cấp xã có 1.243 đơn vị (Ảnh minh họa).

Qua tổng hợp cho thấy, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, tổng số ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp là 50 đơn vị (bao gồm: 11 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 16 đơn vị khuyến khích và 23 đơn vị liền kề), sau sắp xếp dự kiến giảm 14 đơn vị. Tuy nhiên, số ĐVHC cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp nhưng địa phương đề nghị không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù là 19 đơn vị.

Tại cấp xã, tổng số ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp là 1.243 đơn vị (bao gồm: 738 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 109 đơn vị khuyến khích và 396 đơn vị liền kề), sau sắp xếp dự kiến giảm 619 đơn vị. Tổng số ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp nhưng địa phương đề nghị không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù là 515 đơn vị.

Về khó khăn vướng mắc, theo Bộ trưởng Nội vụ, có 30/56 địa phương gửi phương án tổng thể chậm so với thời hạn quy định của Chính phủ tại Nghị quyết số 117/NQ-CP (theo quy định thì chậm nhất là ngày 30/10/2023 các địa phương phải gửi Phương án về Bộ Nội vụ).

Một số bộ, ngành trung ương còn chậm hoặc không có ý kiến tham gia về phương án tổng thể của các địa phương.

Số lượng ĐVHC cấp huyện, cấp xã địa phương đề xuất không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù là khá lớn (19/30 cấp huyện, chiếm tỷ lệ 63,33% và 515/1.253 cấp xã, chiếm tỷ lệ 41,10%).

“Việc xác định các yếu tố đặc thù về lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, an ninh, quốc phòng cũng rất phức tạp do phải rà soát, thu thập các tư liệu lịch sử, khoa học và cơ sở pháp lý để chứng minh”, bà Trà nêu.

Theo bà Trà, thời gian tới cần tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề vướng mắc, khó khăn phát sinh do sắp xếp.

MỚI - NÓNG