Nhiều cầu ở TPHCM sẽ được nâng tĩnh không để thúc đẩy vận tải trên sông Sài Gòn

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM vừa có quyết định phê duyệt dự án nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 trên quốc lộ 13 và cầu Bình Phước 1 trên quốc lộ 1. Bên cạnh đó, cầu Thủ Thiêm 4 dự kiến được khởi công năm 2025, có thể nâng hạ nhịp chính với tĩnh không tối đa 45 m.

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM vừa có quyết định phê duyệt dự án nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 trên quốc lộ 13 và cầu Bình Phước 1 trên quốc lộ 1.

Theo đó, dự án nâng tĩnh không cầu Bình Phước 1 có tổng mức đầu tư khoảng 110,9 tỷ đồng. Về phương án nâng tĩnh không cầu, nhà thầu sẽ thực hiện kích nâng kết cấu nhịp của toàn cầu với chiều cao khoảng 1,25 m bằng hệ thủy lực đảm bảo đồng bộ và an toàn công trình.

Đối với phương án nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1, nhà thầu sẽ kích nâng kết cấu nhịp của toàn cầu với chiều cao khoảng 1,08 m bằng hệ kích thủy lực, đảm bảo đồng bộ và an toàn công trình. Tổng mức đầu tư của dự án nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 vào khoảng 132 tỷ đồng.

Nhiều cầu ở TPHCM sẽ được nâng tĩnh không để thúc đẩy vận tải trên sông Sài Gòn ảnh 1

Cầu Bình Triệu 1 có độ tĩnh không thấp hơn nhiều so với cầu Bình Triệu 2.

Hai dự án này do Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ làm chủ đầu tư, triển khai thực hiện trong giai đoạn 2023-2025.

Theo Sở GTVT TPHCM, việc nâng tĩnh không cầu Bình Phước 1 và cầu Bình Triệu 1 nhằm đáp ứng đồng bộ tĩnh không các cầu trên sông Sài Gòn đạt tối thiếu 7 m theo quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy thời kỳ 2021-20230, tầm nhìn 2050.

Từ đó, tạo điều kiện để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy, phát triển các cảng thủy nội địa TPHCM cùng các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh. Qua đó, giảm tải cho giao thông đường bộ, tăng kết nối vùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mới đây, Sở GTVT TPHCM vừa trình Hội đồng Thẩm định Thành phố tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4.

Theo tờ trình, dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 nối quận 7 và TP.Thủ Đức có quy mô 6 làn xe (4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp), vận tốc thiết kế 60km/h.

Nhiều cầu ở TPHCM sẽ được nâng tĩnh không để thúc đẩy vận tải trên sông Sài Gòn ảnh 2

Theo thiết kế, cầu Thủ Thiêm 4 có thể nâng hạ nhịp chính với tĩnh không thông thuyền tối đa 45m. Ảnh: Sở GTVT TPHCM

Cầu có điểm đầu kết nối với đường Nguyễn Văn Linh tại khu vực giao với đường dẫn cầu Tân Thuận 2, quận 7; điểm cuối dự án kết nối với đường Nguyễn Cơ Thạch tại nút giao thông đường R4, TP.Thủ Đức.

Tổng chiều dài tuyến khoảng 2,16km, trong đó phần cầu dài 1,635km, phần đường dẫn hai đầu cầu dài khoảng 525m.

Đặc biệt, tại phần chính của cầu được bố trí 2 trụ tháp bằng bê tông cốt thép cùng với hệ nâng, nhịp dẫn sử dụng dầm bê tông cốt thép dự ứng lực. Tĩnh không thông thuyền cầu chính qua sông Sài Gòn khi hoạt động bình thường (BxH = 80x15m), khi có tàu lớn đi qua (BxH = 80x45m).

Cầu có thể nâng hạ nhịp chính với tĩnh không tối đa 45 m. Thiết kế cầu dạng này được đánh giá giúp tàu có tải trọng lớn dễ dàng lưu thông trên sông Sài Gòn.

Nhiều cầu ở TPHCM sẽ được nâng tĩnh không để thúc đẩy vận tải trên sông Sài Gòn ảnh 3

Cầu Thủ Thiêm 4 sẽ thực hiện theo hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), thời gian khởi công công trình dự kiến vào năm 2025, hoàn thành vào năm 2028, thời gian thu phí ước tính là khoảng 18 năm 8 tháng (từ năm 2028 đến 2048).

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 6.030 tỷ đồng (bao gồm lãi vay 320 tỷ đồng); trong đó vốn ngân sách TP khoảng 2.826 tỷ đồng (chiếm 49,5% tổng mức đầu tư không bao gồm lãi vay), vốn BOT khoảng 2.883 tỷ đồng (chiếm 50,5% tổng mức đầu tư không bao gồm lãi vay).

Thời gian khởi công công trình dự kiến vào năm 2025, hoàn thành vào năm 2028 và thời gian thu phí ước tính là khoảng 18 năm 8 tháng (từ năm 2028 đến 2048).

MỚI - NÓNG
Tỉnh trung tâm vùng Tây Nguyên có 2.200 'tai, mắt' của công an nhân dân
Tỉnh trung tâm vùng Tây Nguyên có 2.200 'tai, mắt' của công an nhân dân
TPO - Lãnh đạo Bộ Công an đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Đắk Lắk tiếp tục quan tâm đầu tư, mua sắm, trang bị, bảo đảm các chế độ chính sách, mức hỗ trợ thường xuyên và bố trí địa điểm, nơi làm việc đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Xem đây là lực lượng “đồng hành”; là “tai, mắt”; là “cánh tay nối dài” của lực lượng công an nhân dân.