Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long hoạt động như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long (HĐĐP vùng ĐBSCL) vừa ký quyết định ban hành Quy chế hoạt động của HĐĐP vùng ĐBSCL.

Quy chế này quy định về tổ chức hoạt động và phối hợp của HĐĐP vùng ĐBSCL nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ để thực hiện mục tiêu định hướng phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

Theo đó, nguyên tắc điều phối là phải tuân thủ Hiến pháp, quy định của các luật liên quan về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng ĐBSCL. Nội dung, lĩnh vực điều phối là liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL.

Việc phối hợp phải bảo đảm theo nguyên tắc đồng thuận, bình đẳng, công khai, minh bạch và phù hợp với các quy định pháp luật. Thực hiện phối hợp thông qua các quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Những vấn đề không đạt được sự đồng thuận hoặc vượt thẩm quyền quyết định của các bộ, ngành và địa phương trong vùng ĐBSCL thì căn cứ đề nghị của HĐĐP vùng ĐBSCL, Chủ tịch HĐĐP vùng báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long hoạt động như thế nào? ảnh 1

HĐĐP vùng ĐBSCL được thành lập nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Về phương thức điều phối, Quy chế quy định: Lập và tổ chức thực hiện quy hoạch; đầu tư phát triển; xây dựng các cơ chế, chính sách; giải quyết các vấn đề liên kết vùng; kế hoạch điều phối liên kết vùng; cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin vùng.

Việc lập và tổ chức thực hiện các quy hoạch vùng, ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có liên quan trên địa bàn vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải được phối hợp để bảo đảm tính tích hợp, thống nhất và đồng bộ giữa các quy hoạch.

Sau khi quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các cơ quan, địa phương quản lý quy hoạch có trách nhiệm tổ chức công bố, công khai quy hoạch, xây dựng kế hoạch triển khai quy hoạch, xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các thành phần kinh tế tham gia thực hiện.

Các lĩnh vực phối hợp chủ yếu trong đầu tư phát triển gồm: Đầu tư xây dựng mới và hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững, kiểm soát nguồn nước, tăng khả năng chủ động lấy nước, trữ nước, tiêu thoát và điều tiết lũ. Phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, các dự án an ninh nguồn nước. Xây dựng hệ thống giao thông liên kết vùng và giao thông công cộng, đường ven biển, đường cao tốc, cảng hàng không, cảng biển, cửa khẩu quốc tế, xây dựng tuyến đường sắt, kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa…

HĐĐP vùng ĐBSCL được thành lập theo Quyết định số 974/QĐ-TTg ngày 19/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là tổ chức phối hợp liên ngành, thực hiện chức năng giúp Thủ tướng nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về liên kết vùng, phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

HĐĐP vùng ĐBSCL do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Chủ tịch. Phó Chủ tịch Thường trực là Bộ trưởng Bộ KH&ĐT; các Phó Chủ tịch gồm: Bộ trưởng Bộ TN&MT, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Bộ GTVT. Các Ủy viên gồm: Thứ trưởng và tương đương của các bộ và cơ quan ngang bộ (KH&ĐT, Tài chính, Công Thương, Xây dựng, KH&CN, TT&TT, Y tế, GD&ĐT, Công an, Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ), Chủ tịch UBND 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.

MỚI - NÓNG