Lấy được vợ sau lần hiến máu cấp cứu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tại huyện Ea Kar (Đắk Lắk)- nơi người dân đi hiến máu đông đảo, có một Phó Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã lấy được vợ sau lần cho máu cứu người trong bệnh viện.

Đó là anh Nguyễn Sáu Tâm, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Xuân Phú (huyện Ea Kar). Chia sẻ với Tiền Phong tại chương trình Chủ nhật Đỏ ngày 11/1 ở huyện Ea Kar, anh Tâm nói đã 19 lần hiến máu, trong đó 2 lần hiến trực tiếp.

Lấy được vợ sau lần hiến máu cấp cứu ảnh 1

Anh Nguyễn Sáu Tâm, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Xuân Phú

Sau lần hiến trực tiếp cho bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch máu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ea Kar, anh Tâm đã lấy được vợ như ý. “Tôi quen biết vợ từ thời còn đi học vì 2 gia đình gần nhau. Nhưng lúc đó, chúng tôi chỉ là bạn bè. Sau đó, bố của vợ bị giãn tĩnh mạch nằm trong bệnh viện chờ máu để điều trị, tôi vào cho máu. Sau lần hiến máu đó, 3 tháng sau chúng tôi cưới, tôi trở thành con rể của người mình hiến máu. Bây giờ, vợ chồng tôi đã có 2 người con”, anh Tâm kể.

Lấy được vợ sau lần hiến máu cấp cứu ảnh 2

Đông đảo người dân đi hiến máu

Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Xuân Phú thông tin thêm, hôm nay xã có hơn 40 người tham gia hiến máu tại ngày hội Chủ nhật Đỏ. Trong đó, 10 đoàn viên ở các thôn tham gia hiến lần đầu. Những “tân binh” lần này tiếp bước tinh thần hiến máu nhân đạo đang lan tỏa sâu rộng trên địa bàn.

Lấy được vợ sau lần hiến máu cấp cứu ảnh 3

Một tình nguyện viên đưa con cùng tham gia chương trình Chủ nhật đỏ

Lấy được vợ sau lần hiến máu cấp cứu ảnh 4

Người dân Ea Kar tham gia hiến máu

Hiến máu xong, anh Hoàng Xuân Thuỷ (SN 1977) tiến lại vị trí vợ - chị Nguyễn Thị Phương (SN 1979) và con gái Hoàng Thị Thu (SN 1998, cùng trú thôn 12, xã Ea Kmút), để cổ vũ tinh thần.

Gia đình chị Phương rất tích cực tham gia hiến máu tình nguyện. Bản thân chị Phương cho máu được 4 lần, chồng chị và con gái đã 5 lần hiến máu.

Chị Phương chia sẻ, rất tâm đắc với thông điệp “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”. Đó là động lực rất lớn để mỗi thành viên gia đình chị cùng nhau đi hiến máu.

Lấy được vợ sau lần hiến máu cấp cứu ảnh 5

Nhà báo Nguyễn Văn Tuấn - Thư ký tòa soạn Ban đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên (bên phải) động viên gia đình anh Thủy (trái) hiến máu

“Qua nghe tuyên truyền, tôi hiểu được tầm quan trọng, giá trị của việc hiến máu, không có một loại chế phẩm nào có thể thay thế được máu để duy trì sự sống của con người. Có rất nhiều người đang phải chiến đấu với bệnh tật, rất cần tiếp máu, các cơ sở y tế cũng cần có nguồn máu để kịp thời cung cấp cho các bệnh nhân khi cần. Vì vậy, tôi luôn suy nghĩ càng hiến được nhiều máu cho người bệnh càng quý. Hơn nữa, khi tham gia hiến, tôi được xét nghiệm máu, kiểm tra sức khỏe...”, chị Phương cho hay.

Lấy được vợ sau lần hiến máu cấp cứu ảnh 6
Gia đình chị anh Thủy, chị Phương và con gái chụp ảnh lưu niệm

Trong chương trình Chủ nhật Đỏ lần thứ XV do báo Tiền Phong chủ trì, có nhiều trường hợp hiến máu hàng chục lần. Như trường hợp anh Trương Doãn Hiền (SN 1985, xã Ea Ô) đã 32 lần hiến máu. Mỗi năm, anh Hiền hiến máu 2 lần. Theo anh, hiến máu là nghĩa cử cao đẹp, và rất vui khi giọt máu của mình được đến với bệnh nhân cần máu.

Lấy được vợ sau lần hiến máu cấp cứu ảnh 7

Vợ chồng anh Hiền, chị Hương

Ngồi cạnh chồng, chị Hồ Thị Hương - vợ anh Hiền chia sẻ: “Trước đây, tôi không dám hiến vì sợ máu và sợ kim tiêm. Sau đó, được chồng vận động tư tưởng tâm lý, tôi mạnh dạn đi hiến. Hiến về thấy trong người khỏe mạnh và thấy giọt máu mình có thể giúp được bệnh nhân cần, bản thân có động lực hơn. Bây giờ có chương trình hiến máu tôi đều đăng ký tham gia. Đây là lần thứ 5 tôi hiến. Hôm nay, con gái muốn đi hiến máu, nhưng phải chờ năm sau đủ 18 tuổi rồi tham gia”.

Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Ea Kar cho biết, huyện có 28 dân tộc sinh sống. Họ còn giữ các nét đẹp văn hóa truyền thống, tinh thần gắn kết cộng đồng, đoàn kết dân tộc cao. Mỗi lần có chương trình hiến máu, Huyện ủy, chính quyền đều rất quan tâm, tạo điều kiện, chỉ đạo, đôn đốc..., để Ban vận động hiến máu của huyện, xã tích cực vận động bà con đi tham gia.

Lấy được vợ sau lần hiến máu cấp cứu ảnh 8
Nhà báo Nguyễn Văn Tuấn (bên trái) cùng ông Nguyễn Văn Hà- Chủ tịch UBND huyện Ea Kar thăm hỏi, động viên tình nguyện viên hiến máu

“Rất đáng mừng khi phát động, bà con các địa phương hưởng ứng tích cực. Bởi trong mỗi người luôn thấm nhuần nghĩa cử cao đẹp, ý nghĩa nhân văn sâu sắc của việc hiến máu. Chương trình hiến máu nào tổ chức tại địa phương, số người đăng ký đều vượt chỉ tiêu. Trung bình mỗi năm, chương trình hiến máu đều đạt trên 2.000 đơn vị máu”, ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Ea Kar cho biết thêm.

Lấy được vợ sau lần hiến máu cấp cứu ảnh 9
Tình nguyện viên nhận quà

Lần Chủ nhật Đỏ thứ XV, năm 2023, ban tổ chức chương trình chỉ giao lấy ở huyện Ea Kar 400 đơn vị máu. Tuy nhiên, bà con đăng ký rất đông và có nguyện vọng được hiến máu nên ban tổ chức quyết định lấy thêm. Cuối chương trình, thu về 513 đơn vị máu.

Đây là điểm cuối trong chuỗi sự kiện Chủ nhật đỏ tại Tây Nguyên. Tổng 4 điểm tổ chức thu được 1.517 đơn vị máu.

Chương trình Chủ nhật đỏ do báo Tiền Phong chủ trì, phối hợp Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các tỉnh/thành phố, các trường đại học… tổ chức trên quy mô toàn quốc.

Lấy được vợ sau lần hiến máu cấp cứu ảnh 10

Tại Đắk Lắk, báo Tiền Phong phối hợp Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức tại bốn điểm: Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột (30/12), huyện Cư M’gar (5/1); Trường Đại học Tây Nguyên (ngày 8/1) và huyện Ea Kar ngày 11/1.

Đồng hành cùng chuỗi sự kiện Chủ nhật Đỏ tại Tây Nguyên có sự tham gia tổ chức và tài trợ của UBND tỉnh Đắk Lắk, Hội chữ Thập đỏ Đắk Lắk, BIDV chi nhánh Đắk Lắk, Cty Cổ phần Dược –Vật tư Y tế Đắk Lắk, Cty Bảo Việt nhân thọ Đắk Lắk…

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.