Côn Đảo - Từ địa ngục tới thiên đường: Những điều ít biết

0:00 / 0:00
0:00
TP - Côn Đảo - Quần đảo tươi đẹp mang dáng hình con gấu nằm trên Biển Đông có một thời được gọi là “Địa ngục trần gian”. Nơi đây quân thù giam cầm, tra tấn hành hạ hàng vạn chiến sĩ cách mạng, những người yêu nước. Năm tháng qua đi và Côn Đảo đổi thay đến diệu kỳ. Sẽ không quá lời khi gọi Côn Đảo là thiên đường giữa biển cả.

Côn Đảo (trước đây còn có tên gọi Côn Lôn hay Côn Sơn) là quần đảo gồm 16 đảo lớn nhỏ, nằm giữa Biển Đông và cách thành phố Vũng Tàu chừng 160km. Trong đó đảo lớn nhất là Côn Đảo rộng khoảng trên 53 km2.

Côn Đảo - Từ địa ngục tới thiên đường: Những điều ít biết ảnh 1

Hiện vật về dấu vết Văn hóa Sa Huỳnh tại Côn Đảo

Theo dấu tích khảo cổ tại Côn Đảo vào những năm 90 thế kỷ trước, các nhà khảo cổ đã xác định được vào thời tiền Sa Huỳnh (Cách đây khoảng 3.000 năm tới 2.500 năm), nơi đây đã có người sinh sống. Với nhiều công cụ lao động thô sơ như như đồ gốm, rìu... được phát hiện trong các di chỉ khảo cổ tại Côn Đảo cho thấy từ thời đó, người dân cổ xưa ở Côn Đảo đã có liên hệ mật thiết với văn hóa Sa Huỳnh.

Dấu tích cũng cho thấy cư dân ngày đó đã biết làm nông nghiệp, thu lượm hải sản và đánh bắt. Họ cũng biết luyện đồng và sắt để làm các công cụ lao động. Tại các di chỉ khảo cổ ở Côn Đảo như Sở Tiêu, Hồ Sen, An Hải, Hải Đăng, Hòn Cau… cho thấy cư dân cư trú ngày đó có xu hướng bám biển để sinh sống. Nhiều ngư cụ đánh bắt cá đã được phát hiện.

Tuy nhiên sự hiện diện nhiều nhất của Côn Đảo là ở trong các ghi chép của học giả người phương Tây. Nằm giữa Biển Đông và trên con đường hàng hải quan trọng nên Côn Đảo sớm được các thủy thủ phương Tây biết đến. Theo những tư liệu mà Bảo tàng Côn Đảo sưu tập được, vào thế kỷ thứ 9, từng có một thương gia người Ả Rập tên là Soleyman ghi nhận một quần đảo có tên gọi là Sender-Foulat.

Còn theo học giả người Pháp Gabriel Ferrand có nghĩa là Những hòn đảo trái bí (les iles de la courge). Ông cũng khẳng định đó chính là đảo Poulo Condore, tọa lạc tại địa điểm cách đồng bằng sông Mekong khoảng bốn mươi dặm về phía Nam (tương ứng vị trí quần đảo Côn Đảo ngày nay).

Trong tác phẩm du ký của mình, thương gia người Ý Marco ghi vào năm 1297, đoàn thuyền buôn 14 chiếc của ông trên đường từ Trung Quốc về nước bị một cơn bão nhấn chìm mất 8 chiếc; số còn lại dạt vào trú tại hòn đảo có tên gọi Poulo Condore. Trong nhiều sách sử Việt như Gia Định thành thông chí, Đại Nam nhất thống chí... cũng phiên âm quần đảo này thành Côn Lôn.

Côn Đảo - Từ địa ngục tới thiên đường: Những điều ít biết ảnh 2

Một góc bản đồ Côn Đảo

Từ thế kỷ 15 tới thế kỷ 18, có rất nhiều tàu thuyền của phương Tây ghé qua Côn Đảo bởi nơi đây có nhiều nước ngọt, trái cây và rau củ. Trong đó dấu ấn rõ nét nhất là vào năm 1702, Công ty Đông Ấn của Anh với đội quân đánh thuê đã chính thức đổ bộ lên Côn Đảo. Họ đã xây dựng pháo đài và cột cờ để khẳng định chủ quyền. Tuy nhiên, sau 3 năm hiện diện tại Côn Đảo, tới tháng 2/1705 lực lượng lính đánh thuê đã nổi dậy, giết chết chỉ huy và bỏ luôn pháo đài, lên tàu trở về nước. Nhưng người Anh vẫn mặc nhiên coi mình là chủ của quần đảo này.

Năm 1783, Linh mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) đại diện cho nước Pháp ký hiệp ước mang tên Hiệp ước Versailles với người Anh về việc nhượng lại chủ quyền quần đảo Côn Đảo. Tuy nhiên, cuộc Cách mạng Pháp nổ ra đã khiến cho Hiệp ước Versailles không thực hiện được. Cũng trong thời gian này, theo các tài liệu nghiên cứu, khi bị quân Tây Sơn truy sát, Nguyễn Ánh đã đưa quân lính ra ẩn náu tại quần đảo này.

Đi theo Nguyễn Ánh còn khá nhiều dân và họ chọn Côn Đảo làm nơi cư ngụ, sống bằng nghề đánh bắt thủy sản và trồng trọt, lập nên 3 làng người Việt tại đây là An Hội, An Hải, Cỏ Ống. Theo thời gian, cuộc sống của dân cư người Việt đã hiện diện nơi đây với nhiều địa danh được đặt tên như Núi Chúa, hòn Bà, hòn Bảy Cạnh… Đời sống văn hóa tâm linh cũng phát triển với việc lập đền thờ Thứ phi Hoàng Phi Yến, miếu thờ Cậu là Hoàng tử Cải (Con bà Phi Yến với Nguyễn Ánh).

Nhiều giai thoại cũng ra đời tại đây như khi Nguyễn Ánh có ý định đi Pháp cầu viện binh, bà Hoàng Phi Yến đã lên tiếng can ngăn vua và bị Nguyễn Ánh đày ra hòn đảo nhỏ bên cạnh (sau này hòn đảo đó được người dân gọi là hòn Bà). Khi Nguyễn Ánh lên tàu đi Pháp, Hoàng tử Cải (khi đó mới 5 tuổi) đã khóc rất nhiều và bị vua ra lệnh ném xuống biển. Xác Hoàng tử Cải dạt vào bãi Ông Đụng (khu Cỏ Ống) và được người dân chôn cất gần đó, lập miếu thờ gọi là Miếu Cậu.

Côn Đảo - Từ địa ngục tới thiên đường: Những điều ít biết ảnh 3

Pháo đài Anh - chứng minh sự hiện diện của người Anh tại Côn Đảo

Trở lại với việc tranh chấp chủ quyền giữa Anh và Pháp. Tháng 4/1861, sau 3 năm đánh chiếm Đà Nẵng, thực dân Pháp tiếp tục xua quân xuống phía Nam, tổ chức đánh chiếm vùng đất Định Tường (nay thuộc Tiền Giang, Bến Tre và Đồng Tháp).

Song song với việc đó, Pháp đã quyết chiếm đóng Côn Đảo vì lo sợ Anh sẽ chiếm mất. Tháng 11/1861, tàu Norzagaray của Pháp đến chiếm Côn Đảo, treo cờ Pháp để khẳng định chủ quyền và lập biên bản “Tuyên cáo chủ quyền” của Pháp tại đây. Vào tháng 1/1862, người Pháp đã đưa một số nhân viên ra đảo. Những người này có nhiệm vụ tìm vị trí thuận lợi xây ngọn hải đăng nhằm tuyên bố chủ quyền. Tháng 6/1862, Pháp buộc triều đình Huế ký Hòa ước Nhâm Tuất, trong đó có điều khoản triều đình Huế phải nhượng hoàn toàn chủ quyền Côn Đảo cho người Pháp.

Nhưng trước khi ép triều đình Huế ký Hòa ước Nhâm Tuất, ngay sau khi chiếm được Côn Đảo, ngày 1/2/1862, tướng Bonard - Tư lệnh quân viễn chinh Pháp tại Đông Dương đã ký quyết định thành lập hệ thống nhà tù tại Côn Đảo. Lý do chính quyền Pháp lập nhà tù tại nơi đây vì trước đó, Pháp thường đưa những tù nhân Việt bị bắt đi giam tại đảo Guyane- Một vùng đất thuộc Pháp nằm ở khu vực Đông Bắc ở Nam Mỹ.

Do đảo Guyane nằm quá xa, chi phí đưa tù nhân tới đó rất cao, nên để tiết kiệm, Pháp đã cưỡng bức những tù nhân Việt Nam xây hệ thống nhà tù đầu tiên để giam người Việt trên chính mảnh đất Côn Đảo, khởi đầu biến hòn đảo xinh đẹp này thành địa ngục trần gian khủng khiếp nhất.

Từ năm 1882, Côn Đảo được đặt tên là Côn Lôn và là 1 quận của Nam Kỳ. Năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm đổi tên thành Côn Sơn và đưa lên thành 1 tỉnh của Việt Nam cộng hòa. Năm 1974, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu lại đổi tên Côn Đảo thành Thị xã Phú Hải và trực thuộc tỉnh Gia Định. Năm 1976, Chính phủ nước Việt Nam thống nhất đã thành lập huyện Côn Đảo và trực thuộc TPHCM. Năm 1977 Côn Đảo được đưa về trực thuộc tỉnh Hậu Giang và tới năm 1979, Côn Đảo được sáp nhập với thành phố Vũng Tàu và thuộc đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Năm 1991, đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo giải thể, Côn Đảo trở thành huyện thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

MỚI - NÓNG