Bảo tàng tự nhiên hàng đầu của Mỹ ở New York có kế hoạch dỡ bỏ bộ sưu tập khoảng 12.000 hài cốt con người, bao gồm bộ xương của những người bản địa và nô lệ bị cướp mộ, cũng như thi thể của những người dân New York được thu thập vào những năm 1940.
“Các bộ sưu tập hài cốt người được tạo ra nhờ sự mất cân bằng quyền lực cực độ. Nhiều nhà nghiên cứu thế kỷ 19 và 20 đã sử dụng những bộ sưu tập như vậy để thúc đẩy lý luận khoa học còn thiếu sót sâu sắc, bắt nguồn từ tư tưởng người da trắng thượng đẳng - cụ thể là việc xác định những khác biệt ngoại hình để củng cố các mô hình phân cấp chủng tộc”, giám đốc bảo tàng, ông Sean Decatur, nói với nhân viên trong một lá thư tuần này.
Nhiều tổ chức y tế và nhân chủng học của Mỹ đang phải đối mặt với các vấn đề tương tự, bao gồm Bảo tàng Mütter ở Philadelphia, Bảo tàng Peabody tại Đại học Harvard và Bảo tàng Penn, cũng ở Philadelphia, đã xin lỗi về bộ sưu tập Morton có chứa các hộp sọ người da đen và bản địa.
Các hướng dẫn chính sách mới của bảo tàng tự nhiên bao gồm việc loại bỏ hài cốt của con người, cải tiến cách lưu trữ chúng và cung cấp nhiều nguồn lực hơn để xác định nguồn gốc và danh tính của hài cốt.
Theo Đạo luật Hồi hương và Bảo vệ Mộ Người Mỹ bản địa năm 1993, các tổ chức có nghĩa vụ trả lại hài cốt của người bản địa, nhưng nhiều tổ chức đã gặp vấn đề trong việc nhận dạng chính xác, làm chậm quá trình hoặc khiến việc này gần như bất khả thi.
Bảo tàng lịch sử tự nhiên đã hồi hương khoảng 1.000 hài cốt của người Mỹ bản địa, nhưng vẫn còn giữ thêm 2.200 hài cốt khác. Trong lá thư gửi nhân viên, ông Decatur đã viết rằng “việc xác định một hành động phục hồi, tôn trọng trong khi tham khảo ý kiến của các cộng đồng địa phương phải là một phần trách nhiệm của chúng ta”.
Vì một số bộ sưu tập được tập hợp lại để chứng minh hoặc bác bỏ các lý thuyết khoa học hiện đã mất uy tín, bao gồm cả thuyết ưu sinh, nhiều hài cốt được thu thập thuộc về những cá nhân không đồng ý được sử dụng để nghiên cứu và trưng bày.
Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ ở New York |
Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ cũng có một “bộ sưu tập y tế” bao gồm hài cốt 400 người dân New York nghèo từ những năm 1940, thi thể của họ ban đầu được trao cho các trường y và xương của 5 người da màu được đào lên từ nghĩa trang Manhattan dành cho nô lệ vào năm 1903. “Việc xóa bỏ nhân tính người da màu thông qua chế độ nô lệ vẫn tiếp tục diễn ra kể cả sau khi họ qua đời, thông qua cách thi thể của họ bị đối xử để phục vụ cho một dự án khoa học”, ông Decatur, một người Mỹ gốc Phi, cho biết.
Bảo tàng hiện có 12 tủ trưng bày hài cốt con người, từ bộ xương của một chiến binh Mông Cổ từ năm 1000 sau Công nguyên, cho đến nhiều vật dụng nghi lễ khác nhau được làm từ xương người, bao gồm cả một chiếc tạp dề Tây Tạng thế kỷ 19.
Giám đốc bảo tàng viết trong lá thư rằng, không có cổ vật nào “quan trọng đối với mục tiêu và câu chuyện của triển lãm đến nỗi chúng ta có thể bỏ qua khía cạnh đạo đức, bởi sự thật là hài cốt của con người trong một số trường hợp được trưng bày bên cạnh và trên cùng mặt phẳng với đồ vật”.