Cách đây hơn 1 năm, vào chiều 17/8/2022, tại khu nhà triển lãm hiện vật thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp thuộc Bảo tàng Lịch sử tỉnh TT-Huế xảy ra hỏa hoạn. |
Qua kiểm tra, vụ cháy không gây ảnh hưởng các hiện vật trưng bày tại đây, do lực lượng phòng cháy chữa cháy đã kịp thời khống chế, không để đám cháy lan rộng. Các hiện vật đã được chuyển về kho đảm bảo theo quy định, được kiểm kê, bảo quản, lưu trữ an toàn. |
Từ đó đến nay đã hơn một năm, khu triển lãm từng xảy ra hỏa hoạn vẫn chưa được khắc phục, sửa chữa hay gia cố tạm mà vẫn giữ nguyên hiện trạng. |
Đặc biệt, các cấu kiện của khu nhà dùng làm không gian triển lãm bị hư hỏng, đổ nát do vụ cháy vẫn không được thu dọn, kết cấu bên trong bằng gỗ và các loại vật liệu khác đang còn ngổn ngang. Khu nhà này là một phần của di tích Quốc Tử giám triều Nguyễn thuộc hệ thống Quần thể Di sản Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. |
Sau vụ cháy tại Bảo tàng Lịch sử tỉnh TT-Huế (di tích Quốc Tử giám triều Nguyễn), ngoài thực hiện chức năng chuyên môn, khuôn viên di tích vẫn thường xuyên là nơi diễn ra các sự kiện lớn của tỉnh, thậm chí của quốc gia như vinh danh học sinh giỏi, Tuần lễ áo dài Huế, Ngày Sách Việt Nam năm 2023… |
Việc hiện trường vụ cháy vẫn chưa được xử lý, dọn dẹp sau hơn một năm tạo hình ảnh đáng sợ, phản cảm tại điểm tham quan bảo tàng và di tích thuộc khu Di sản Huế, trong khi bảo tàng lại thiếu đi không gian trưng bày, triển lãm như trước đây đã khiến nhiều người thắc mắc. |
Ông Nguyễn Đức Lộc - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh TT-Huế, chia sẻ: Sau khi xảy ra vụ cháy, một phần cấu kiện, liên kết gỗ của khu nhà triển lãm bị yếu, có thể đổ sập bất cứ lúc nào nên cơ quan chức năng về cứu hỏa, công an khuyến cáo không vào trong dọn dẹp, đồng thời phải cắm biển báo nguy hiểm không cho người và du khách vào bên trong. |
Phần cấu kiện bị hư hỏng sẽ được tháo dỡ, dọn dẹp vào thời điểm khởi công tu sửa khu nhà, với máy móc, thiết bị chuyên dùng sẽ phù hợp hơn. |
Ông Nguyễn Đức Lộc còn cho biết vào cuối năm 2022, Bảo tàng Lịch sử tỉnh đã lên kế hoạch phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Sở Văn hóa Thể thao tỉnh tổ chức dọn dẹp khu vực từng xảy ra cháy, nhưng do được khuyến cáo đây là nơi không đảm bảo an toàn, nên việc này đến nay vẫn chưa thực hiện. |
Ngói vỡ, kết cấu gỗ bị cháy vẫn "nguyên hiện trạng", chưa được dọn dẹp đi nơi khác. |
Theo tìm hiểu của PV, nhiều năm nay, Bảo tàng Lịch sử tỉnh TT-Huế sử dụng khuôn viên di tích Quốc Tử giám (đường 23 tháng 8, Huế) để hoạt động theo kiểu “tạm trú”, trong khi đây lại là di tích thuộc quản lý của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, nên Bảo tàng không thể tùy tiện tác động sửa chữa, khắc phục lên công trình cổ, đặc biệt là tại khu vực từng xảy ra hỏa hoạn. |
Được biết, kể từ sau vụ hỏa hoạn xảy ra tại di tích Quốc Tử giám hồi tháng 8/2022, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức nhiều đợt khảo sát hiện trạng tại đây. |
Trao đổi với PV, ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cho biết, đơn vị hiện lập phương án bảo tồn, trùng tu, tôn tạo tổng thể di tích Quốc Tử Giám. Khi triển khai trùng tu, khu nhà triển lãm trước đây của Bảo tàng Lịch sử tỉnh TT-Huế từng bị cháy gây hư hại sẽ được khắc phục, tôn tạo. |
Còn theo ông Nguyễn Đức Lộc, sau vụ hỏa hoạn, công tác trưng bày của Bảo tàng Lịch sử tỉnh TT-Huế lại càng gặp nhiều khó khăn do không có không gian cố định. Trong khuôn viên di tích Quốc Tử Giám chỉ còn không gian trưng bày chuyên đề tại khu Di Luân đường được sử dụng thường xuyên cho các cuộc trưng bày theo kế hoạch, nên việc thu hút du khách gặp nhiều hạn chế. |
Trong thời gian tới, Bảo tàng Lịch sử tỉnh TT-Huế sẽ di chuyển toàn bộ hiện vật, cơ sở vật chất lên cơ sở 2 tại địa chỉ 268 Điện Biên Phủ (TP Huế) để trả lại toàn bộ không gian di tích Quốc Tử giám cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức trùng tu, tôn tạo, quản lý, phát huy giá trị. |