Phe đảo chính Niger yêu cầu cảnh sát trục xuất đại sứ Pháp

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chính quyền quân sự Niger đã thu hồi quyền miễn trừ ngoại giao của Đại sứ Pháp Sylvain Itte và yêu cầu cảnh sát trục xuất ông khỏi quốc gia Tây Phi này.
Phe đảo chính Niger yêu cầu cảnh sát trục xuất đại sứ Pháp ảnh 1

Người Niger treo cờ Nga trong cuộc tập trung ở Niamey ngày 3/8 để ủng hộ chính quyền quân sự. (Ảnh: AP)

Phe đảo chính đặt thời hạn 48 giờ đồng hồ để Đại sứ Itte rời khỏi Niger. Nhưng đến thời hạn chót 28/8 mà Pháp không triệu đại sứ của mình về nước.

Chính phủ Pháp cho biết họ không công nhận lực lượng đảo chính là lãnh đạo hợp pháp của Niger. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Anne-Claire Legendre cho biết, Đại sứ Itte vẫn ở lại, bất chấp lời đe dọa trục xuất.

AP dẫn thông cáo do Bộ Ngoại giao Niger cho biết, ông Itte "không còn được hưởng các đặc quyền và quyền miễn trừ gắn liền với tư cách thành viên ngoại giao của đại sứ quán" nữa.

Thông cáo cũng cho biết, thẻ ngoại giao và thị thực của gia đình vị đại sứ đã bị hủy bỏ.

Sau khi phe đảo chính Niger yêu cầu ông Itte rời khỏi Niger, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố đại sứ sẽ vẫn giữ chức vụ của mình. Ông Macron kiên quyết phản đối phe đảo chính và nhấn mạnh rằng Pháp, cựu mẫu quốc của Niger, không phải là kẻ thù của nước này.

Kể từ khi lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum, phe đảo chính tranh thủ tư tưởng chống Pháp trong dân chúng để tập hợp ủng hộ. Người dân hô khẩu hiệu “Đả đảo nước Pháp” trong các cuộc biểu tình diễn ra gần như hằng ngày ở thủ đô Niamey và một căn cứ quân sự của Pháp trong thành phố.

Pháp có khoảng 1.500 binh lính vẫn đồn trú ở Niger. Đội quân này trước đây triển khai hoạt động chung với lực lượng an ninh Niger để dẹp các hoạt động nổi dậy thánh chiến liên quan đến al-Qaida và Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Hoạt động hợp tác đã ngừng kể từ cuộc đảo chính và các cuộc tấn công thánh chiến ngày càng gia tăng.

Trong tháng này, các tay súng nổi dậy tấn công khiến 17 binh lính thiệt mạng và 24 người bị thương. Đây là cuộc tấn công lớn đầu tiên sau nửa năm nhằm vào quân đội ở Niger.

Căng thẳng khu vực cũng gia tăng khi chính quyền quân sự phớt lờ lời kêu gọi từ nhóm các quốc gia Tây Phi ECOWAS về việc phải thả và phục chức cho ông Bazoum, bất chấp lời đe dọa can thiệp quân sự.

Việc trục xuất đại sứ Pháp và thu hồi quyền miễn trừ ngoại giao của ông đặt Pháp vào tình thế khó khăn. Pháp cho biết họ sẽ hỗ trợ ECOWAS trong việc khôi phục một chính phủ phù hợp ở Niger nhưng cũng cần bảo vệ các nhân viên ngoại giao của mình.

Mucahid Durmaz, nhà phân tích cấp cao tại hãng tư vấn rủi ro toàn cầu Verisk Maplecroft, cho rằng nếu Paris công nhận chính quyền quân sự ở Niger, điều đó có thể hạn chế thiệt hại về danh tiếng mà Pháp đang gặp phải ở các thuộc địa cũ của họ ở châu Phi.

Durmaz cho rằng khó có khả năng Pháp sẽ dùng việc chính quyền Niger trục xuất đại sứ Pháp làm cớ để tiến hành một chiến dịch can thiệp quân sự vào Niger, với sự tham gia lực lượng ECOWAS.

“Những tác động thảm khốc của một cuộc chiến tranh khu vực, cùng với sự gia tăng tư tưởng chống Pháp vốn đã cao ở khu vực, khiến Pháp phải né tránh cách làm đó”, Durmaz nhận định.

Theo AP
MỚI - NÓNG
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm
TP - “Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Dự kiến tháng 7/2026, nơi in dấu chân chị Trâm sẽ kết nối hệ thống cao tốc Bắc-Nam.