Phát sợ trước những thông tư 'đè chết' doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Thông tư 02 của Bộ GTVT quy định lắp camera theo dõi khoang hành khách trong khi Nghị định 10 chỉ yêu cầu với khu vực lái xe ảnh: Trọng Đảng
Thông tư 02 của Bộ GTVT quy định lắp camera theo dõi khoang hành khách trong khi Nghị định 10 chỉ yêu cầu với khu vực lái xe ảnh: Trọng Đảng
TP - Nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải có chế tài gắn trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu bộ, ngành ban hành thông tư nhằm tránh tình trạng ra văn bản “nhảm”...

“To” hơn luật

Ngày 25/6, tại hội thảo Chất lượng của thông tư và công văn - góc nhìn từ doanh nghiệp (DN), ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, số lượng thông tư lớn hơn rất nhiều so với các văn bản quy phạm pháp luật khác. Đáng ra, trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thẩm quyền của thông tư rất thấp (dưới nghị định và luật), nhưng thực tế ngược lại.

“Luật quy định tốt nhưng DN phải mất nhiều tháng chờ thông tư thì luật mới đi vào thực tế. Chỉ cần một sai sót hoặc định hướng không phù hợp, thông tư sẽ gây ra nhiều sức ép với hoạt động kinh doanh của cộng đồng DN”, ông Tuấn nói.

Dù trong luật quy định, thông tư không được ban hành điều kiện kinh doanh, nhưng thực tế tình trạng này vẫn còn. Đại diện VCCI dẫn ra nhiều thông tư gây khó khăn cho DN. Tiêu biểu như thông tư 02/2021/TT-BGTVT quy định việc lắp camera phải theo dõi khoang hành khách trong khi Nghị định 10/2017 không yêu cầu. Nghị định 10/2017 chỉ yêu cầu có camera theo dõi lái xe trong khi Thông tư 02/2021 lại mở rộng yêu cầu quan sát cả khoang hành khách. Điều này khiến tốn thêm chi phí lắp camera, đường truyền thậm chí hình ảnh riêng tư.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, thông tư, công văn của bộ ngành còn hiệu lực hơn cả luật, gây ách tắc trong thực thi pháp luật thời gian qua. Theo ông Nam, đang có tình trạng thông tư to hơn luật.

Theo đó, có luật mà chưa có thông tư, DN cứ ngồi đó. Nghị định ra đời vẫn phải chờ thông tư, mà thông tư ra đời lại phải đợi công văn hướng dẫn, do các quy định không rõ ràng, dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau. Dù không phải văn bản quy phạm pháp luật, nhưng không có công văn là các thủ tục dừng lại hết.

“Nhiều khi DN cười ra nước mắt khi thấy sự “vênh” của thông tư với nghị định và luật”, ông Nam phản ánh.

Tiêu biểu như Thông tư 40 của Bộ Tài chính chuẩn bị có hiệu lực, hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh được đánh giá là đưa ra quá “âm thầm”. Sau gần nửa tháng thông tư ban hành, những người trực tiếp chịu tác động mới được tiếp cận đầy đủ nội dung.

Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử (TMĐT), tác động của Thông tư 40 rất rộng, liên quan nhiều bên, không riêng ban quản trị sàn. TMĐT có sự tham gia của các công ty đa quốc gia, xuyên biên giới, và rất nhiều hộ kinh doanh cá thể, tiểu thương, có sự chệnh lệnh giữa các thành phần. “Một số quốc gia tiên tiến quy định khai thuế tự động, công khai, cá nhân tự chấp hành. Còn ở Việt Nam, người kinh doanh không biết phải làm gì”, ông Dũng nêu.

Gây hậu quả, không ai bị xử lý

Đại diện VCCI còn phản ánh, không chỉ nghị định ra đời phải chờ thông tư, mà thông tư ra đời lại chờ công văn hướng dẫn do quy định chưa rõ ràng. Việc công văn trả lời nội dung về việc áp dụng pháp luật của DN không đi thẳng vào vấn đề mà trích dẫn các quy định pháp luật và DN tự hiểu để áp dụng là tình trạng phổ biến. Thời hạn trả lời doanh nghiệp thường rất lâu, thậm chí không trả lời. Có DN cho biết gửi yêu cầu đến một bộ nhưng 10 năm sau, vẫn chưa có câu trả lời.

VCCI đề xuất, cần nâng cao và phát huy vai trò của cơ quan “gác cửa” chất lượng thông tư. “Gắn trách nhiệm cá nhân với những thông tư có vấn đề, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Cần gắn với trách nhiệm một cá nhân cụ thể, hiện nay việc ban hành thông tư có thể gây ra hậu quả rất lớn, nhưng lại không bị xử lý, không có chế tài”, ông Tuấn nói.

Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) thẳng thắn, ban hành thông tư là quyền hạn của bộ trưởng. Vì vậy, nếu thông tư sai thì trách nhiệm đương nhiên của người đứng đầu, cụ thể là bộ trưởng, trưởng ngành đó. Tuy nhiên, hiện chưa có chế tài.

MỚI - NÓNG