Pháp sắp cấm người chưa tiêm vắc xin tới nơi công cộng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hôm nay (3/1), các nhà làm luật của Pháp xem xét dự luật cấm người chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19 tới nhà hàng, quán bar và các địa điểm công cộng khác, CNN đưa tin. Người dùng giấy chứng nhận tiêm chủng giả sẽ bị phạt tù 5 năm và bị phạt 75.000 euro (hơn 1,9 tỷ đồng).

Phạt 5 năm tù và 75.000 euro

Từ tháng 7/2021, Pháp quy định, để vào một số địa điểm công cộng, người dân phải chứng minh được mình có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, hoặc đã mắc COVID-19 rồi khỏi bệnh, hoặc đã tiêm đủ liều vắc xin. Dự luật mới nhằm thay thế quy định hiện hành, tức là không chấp nhận giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính nữa. Nếu được thông qua, luật mới dự kiến có hiệu lực từ ngày 15/1.

Theo nội dung dự luật, nhân viên nhà hàng, quán bar và các địa điểm công cộng khác có quyền kiểm tra nhân thân của khách hàng nếu họ nghi ngờ về tính xác thực của giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin hoặc nghi ngờ khách hàng sử dụng giấy chứng nhận tiêm chủng của người khác.

Những người sử dụng giấy chứng nhận của người khác có thể bị phạt 1.000 euro (26 triệu đồng). Người dùng giấy chứng nhận giả sẽ bị phạt tù 5 năm và bị phạt 75.000 euro (hơn 1,9 tỷ đồng). Những cơ sở không kiểm tra tính xác thực của giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin của khách hàng cũng có thể bị phạt.

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran nói với tuần báo Pháp Le Journal du Dimanche hôm 1/1 rằng, biến chủng Omicron lây lan nhanh đến nỗi nó sẽ tác động tất cả dân số thế giới, nên cần tăng cường tiêm chủng. “Chúng ta phải tiếp tục tiêm chủng khẩn cấp trên phạm vi toàn cầu”, ông nói.

Ông hy vọng đợt dịch COVID-19 thứ năm ở Pháp “có thể là đợt cuối cùng” nhờ Pháp tăng tốc tiêm chủng.

Xấp xỉ 73% dân số Pháp đã được tiêm đủ mũi vắc xin phòng COVID-19, trong khi tỷ lệ trung bình ở Liên minh châu Âu (EU) là 68%, theo dữ liệu của Trung tâm Phòng chống dịch bệnh châu Âu. Nhiều nước đang thúc đẩy tiêm chủng bằng cách ra các quy định mang tính bắt buộc.

Tháng 11/2021, Áo trở thành nước phương Tây đầu tiên yêu cầu công dân tiêm vắc xin phòng COVID-19. Tháng trước, Đức cấm người chưa tiêm chủng tới hầu hết các địa điểm công cộng, trừ một số nơi thiết yếu như hiệu thuốc, siêu thị…

Pháp sắp cấm người chưa tiêm vắc xin tới nơi công cộng ảnh 1

Người dân Paris và khách du lịch đi qua sân của Bảo tàng Louvre vào ngày đầu năm mới 2022. Ảnh: Getty Images.

Người chưa tiêm chủng phải tự cách ly 10 ngày

Từ ngày 15/2, Pháp sẽ áp dụng quy định tiêm mũi vắc xin tăng cường 4 tháng sau mũi tiêm thứ hai, thay vì 7 tháng như hiện nay. Từ khi đó, người đã tiêm 3 mũi mới được coi là đã tiêm chủng đầy đủ.

Biến chủng Omicron đang lây lan nhanh khắp châu Âu nên Pháp giữ người chưa tiêm vắc xin cách xa nơi đông người và giảm thời gian cách ly cho những người đã tiêm chủng để giảm gánh nặng tài chính và xã hội.

Từ ngày 3/1, thời gian tự cách ly của người có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 nhưng đã tiêm đủ liều giảm từ 10 ngày xuống 7 ngày, Bộ trưởng Y tế Pháp thông báo. Nếu có kết quả xét nghiệm âm tính sớm thì thời gian tự cách ly có thể giảm xuống 5 ngày.

Trong khi đó, người chưa tiêm chủng phải tự cách ly 10 ngày. Nếu có kết quả xét nghiệm âm tính sớm thì thời gian tự cách ly có thể giảm xuống 7 ngày.

Những người tiếp xúc với F0 sẽ không phải tự cách ly nếu họ đã được tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19, nhưng sẽ phải xét nghiệm thường xuyên, Bộ trưởng Y tế Pháp thông báo.

Ngày 1/1, Pháp ghi nhận 219.126 ca mắc COVID-19, trở thành nước thứ sáu trên thế giới có tổng số ca mắc vượt mốc 10 triệu.

Pháp sẽ mở rộng đối tượng phải đeo khẩu trang nơi công cộng. Theo đó, trẻ em từ 6 tuổi trở lên cũng sẽ phải đeo khẩu trang ở nhà ga, sân bay, chợ, rạp chiếu phim…

MỚI - NÓNG