Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng sau cuộc họp với Tổng thống Mỹ Donald Trump và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ H.R. McMaster vào hôm thứ Năm (8/3, theo giờ Mỹ), Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong cho biết, ông Trump đã nhận được lời mời và đồng ý gặp mặt trực tiếp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng Năm tới.
Thông tin này tiếp nối loạt các tín hiệu khả quan trong tiến trình giải quyết khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên sau thông điệp năm mới của ông Kim, Triều Tiên tham dự Olympic 2018 ở Hàn Quốc, chuyến thăm của phái đoàn Hàn Quốc đến Triều Tiên, hội nghị thượng đỉnh giữa hai lãnh đạo Hàn-Triều và thái độ tích cực của ông Kim với đàm phán phi hạt nhân hoá.
Tin tức này nhanh chóng nhận được sự phản hồi từ Hàn Quốc và Nhật Bản, hai đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực Đông Bắc Á.
Các đảng chính trị Hàn Quốc hoan nghênh
Hôm thứ Sáu (theo giờ Hàn Quốc), các đảng chính trị Hàn Quốc đã hoan nghênh thoả thuận gặp mặt trực tiếp giữa ông Trump và ông Kim trong vòng hai tháng nữa. Theo họ, sự kiện này mở ra hy vọng cho giải quyết xung đột hạt nhân kéo dài hàng thập kỷ trên Bán đảo Triều Tiên.
“Chúng tôi hoan nghênh thực tế là sau khi gặp Tổng thống Mỹ Trump, đặc phái viên của Tổng thống Moon đã tạo ra cơ hội cho việc thành lập hoà bình trên Bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ.
Kết quả chuyến thăm Mỹ của phái đoàn đặc biệt này là phản ánh nguyện vọng của Tổng thống Moon và Trump trong việc phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên và hoà bình…”, Kim Huyn, phát ngôn viên của đảng Dân chủ cầm quyền, nói với các phóng viên.
Đảng đối lập Dân chủ và Hoà bình cũng bày tỏ hy vọng, cuộc đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng sẽ giúp thiết lập hoà bình lâu dài trên bán đảo bị chia cắt.
Trong khi đảng Bareunmirae nhận định, cuộc đàm phán dự kiến giữa Trump và Kim sẽ là “cách nhanh nhất, thiết thực và hiệu quả nhất” để giải quyết xung đột hạt nhân.
Tuy nhiên, phe đối lập chính đảng Tự do Hàn Quốc đưa ra một phản ứng thận trọng, nhấn mạnh bất kỳ cuộc đàm phán nào với Bình Nhưỡng phải nhằm mục đích ép buộc quốc gia này từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Nhật Bản vẫn duy trì “áp lực tối đa”
“Triều Tiên đã có ý định đối thoại về phi hạt nhân hoá. Tôi đánh giá cao sự thay đổi này. Đây là kết quả của việc cộng đồng quốc tế tiếp tục gây áp lực ở mức cao.”, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết vào thứ Sáu, đề cập đến cuộc điện đàm giữa ông và ông Trump vào sáng sớm cùng ngày.
Ông Abe khẳng định, quan điểm của Nhật Bản và Mỹ vẫn không thay đổi, sẽ tiếp tục gây “áp lực tối đa” cho đến khi Triều Tiên có hành động cụ thể để hoàn thành việc kiểm soát các chương trình hạt nhân và tên lửa.
Vị thủ tướng cũng tiết lộ thêm, ông sẽ đến Mỹ vào tháng 4 để gặp mặt Tổng thống Mỹ, và hai bên sẽ cùng nhau giải quyết các vấn đề về Triều Tiên.
Được biết, sau chuyến thăm Mỹ, phái đoàn Hàn Quốc, bao gồm ông Chung và lãnh đạo Cơ quan Tình báo Quốc gia Suh Hoon, sẽ tiếp tục hành trình đến Nga, Trung Quốc và Nhật Bản để thông báo về cuộc gặp với Chủ tịch Kim Jong-un hồi đầu tuần.