Ông Tất Thành Cang biện minh hành vi của mình không sai với chủ trương của Thành ủy

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trả lời HĐXX phúc thẩm, bị cáo Tất Thành Cang kêu oan, cho rằng mình không vi phạm điều 219 Bộ luật tố tụng hình sự và hành vi của ông cũng không sai với chủ trương Thành ủy TPHCM là không đầu tư vào bất động sản, tài chính, ngân hàng.

Hôm nay (6/6), TAND cấp cao tại TPHCM đã mở phiên tòa phúc thẩm, xét xử vụ Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), Công ty Cổ phần (CP) phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) phát hành giá rẻ 9 triệu cổ phiếu cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim (Công ty Nguyễn Kim).

Ông Tất Thành Cang biện minh hành vi của mình không sai với chủ trương của Thành ủy ảnh 1

Bị cáo Tề Trí Dũng (phải) và luật sư tại phiên phúc thẩm. Ảnh: Tân Châu

Phiên tòa được mở do có kháng cáo bản án sơ thẩm của 10 bị cáo, trong đó có ông Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư Thành uỷ TPHCM bị cấp sơ thẩm tuyên phạt 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Trả lời Hội đồng xét xử (HĐXX), bị cáo Tất Thành Cang, đề nghị xem xét hành vi của ông một cách khách quan, toàn diện.

Ông Tất Thành Cang nói, nhận thức về hành vi của ông trong vụ án này là không sai, không vi phạm điều 219 Bộ luật tố tụng hình sự. Bị cáo này cũng cho rằng hành vi của mình không sai với chủ trương của Thành ủy TPHCM là không đầu tư vào bất động sản, tài chính, ngân hàng…

“Chốt” câu hỏi của chủ tọa phiên tòa phúc thẩm, rằng "bản án sơ thẩm tuyên có oan với ông không", bị cáo Tất Thành Cang trả lời là “oan”.

Ông Tất Thành Cang biện minh hành vi của mình không sai với chủ trương của Thành ủy ảnh 2

Bị cáo Tất Thành Cang, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành uỷ TPHCM tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: Tân Châu

Bị cáo Tề Trí Dũng, cựu Tổng giám đốc IPC (bản án sơ thẩm tuyên phạt 20 năm tù cho 2 tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Tham ô tài sản”) trả lời HĐXX phúc thẩm là giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Bị cáo Tề Trí Dũng cho biết sau phiên xét xử sơ thẩm, gia đình bị cáo này có nộp khoản tiền bồi thường cho SADECO khắc phục hậu quả.

Bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc, cựu Tổng giám đốc SADECO (bản án sơ thẩm tuyên 16 năm tù) giữ nguyên nội dung xin xem xét giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo này cho biết, sau phiên xét xử sơ thẩm, gia đình bà đã bồi thường toàn bộ số tiền 465 triệu đồng mà bản án sơ thẩm đã tuyên, để khắc phục hậu quả. Bị cáo Phúc cũng nêu hoàn cảnh gia đình khó khăn con nhỏ, cha mẹ bệnh... là những tình tiết mới phát sinh và đề nghị cấp phúc thẩm xem xét.

Bị cáo Trần Công Thiện, cựu Tổng giám đốc IPC (bản án sơ thẩm tuyên 13 năm tù), cho rằng bản án sơ thẩm quá nặng với bị cáo. Dù kháng cáo xin giảm nhẹ, bị cáo Thiện nói rằng bản án sơ thẩm tuyên phần nội dung liên quan đến bị cáo là không đúng, nhưng bị cáo không dám cho rằng mình bị oan.

“Bị cáo thấy mình không sai nhưng tòa sơ thẩm luận tội bị cáo sai thì bị cáo chịu” – bị cáo Thiện giải bày.

Bị cáo Trần Đăng Linh, cựu phó Tổng giám đốc IPC (bản án sơ thẩm tuyên phạt 6 năm tù) thì cho rằng bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo quá nặng và mong cấp phúc thẩm xem xét vì vai trò của bị cáo rất hạn chế.

Các bị cáo còn lại trình bày giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, mong cấp phúc thẩm xem xét, giảm nhẹ hình phạt. Có bị cáo trình bày gia đình có công và luật sư sẽ trình cho HĐXX chứng cứ giảm nhẹ, cũng có có bị cáo cung cấp thêm các tình tiết mới phát sinh sau phiên tòa sơ thẩm nhằm đề nghị cấp phúc thẩm xem xét, giảm nhẹ hình phạt.

SADECO được xác định là bị hại. Trình bày tại phiên xét xử phúc thẩm, vị đại diện SADECO đề nghị cấp phúc thẩm buộc các bị cáo Tề Trí Dũng, Hồ Thị Thanh Phúc và các đồng phạm bồi thường số tiền 2,8 tỷ đồng, hủy bỏ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần thứ 13 cấp ngày 7/12/2017 cho SADECO (đăng ký tăng vốn điều lệ từ 170 tỷ đồng lên 260 tỷ đồng).

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.