Ông Hoàng Nam Tiến khuyên gen Z: Trừ 'ngậm thìa vàng', còn không phải kiếm một nghề nuôi thân

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT, trừ khi chúng ta “ngậm thìa vàng”, sinh ra từ vạch đích, không thì phải kiếm một nghề nghiệp nuôi sống được bản thân mình. Khi ưu tiên chuyện có nghề thì phải nhấn mạnh đến hai điều: một là tôi có năng lực làm việc đó hay không? Hai là nghề đó có được trọng dụng trong xã hội hay không?

4 vòng tròn để thành công

Chia sẻ tại tọa đàm "2K6 chọn ngành, chọn trường thế nào để có việc làm?" do báo Dân trí phối hợp Trường Cao đẳng FPT Polytechnic tổ chức, ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT đã có những lời tư vấn ngành nghề cho các bạn học sinh tuổi 18.

Ông cho rằng, mỗi bạn học sinh cùng bố mẹ, người thân, thầy cô giáo, cần phải có đánh giá rất chính xác về bản thân mình. Các bạn phải xác định được mình có những đam mê, mơ ước, khát vọng gì. Giữa khát vọng, đam mê, ước mơ đấy, các bạn có những năng lực gì.

Ông Hoàng Nam Tiến khuyên gen Z: Trừ 'ngậm thìa vàng', còn không phải kiếm một nghề nuôi thân ảnh 1

Các chuyên gia tham gia tọa đàm

Chia sẻ về bản thân mình, ông Tiến kể câu chuyện vui: “Như cá nhân tôi, tôi rất thích hát, nhưng hễ hát là sai nhạc. Rõ ràng, giữa đam mê và năng lực ca hát của tôi là không liên quan đến nhau. Từ câu chuyện này thấy rằng, chúng ta cần lựa chọn ngành họcchọn nghề làm sao phù hợp giữa mong muốn, đam mê và năng lực”.

Ông Tiến kể tiếp: “Ngày xưa lớp tôi có cậu bạn bắn chun rất giỏi, cậu ấy rất đam mê bắn chun nhưng trong xã hội không có nghề bắn chun. Tôi còn cậu bạn nữa, rất thích chơi bi-a. Cậu ấy học không giỏi, văn không giỏi, toán cũng không giỏi, nhưng chơi bi-a cực giỏi và thành danh nhờ chơi bi-a”.

Ông Hoàng Nam Tiến khuyên gen Z: Trừ 'ngậm thìa vàng', còn không phải kiếm một nghề nuôi thân ảnh 2

Ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ tại tọa đàm.

Từ câu chuyện trên, ông Tiến chỉ ra rằng, điều quan trọng thứ ba là giữa đam mê, năng lực và điều xã hội cần phải được kết nối với nhau. Điều thứ tư ông Tiến nêu ra là ngành các bạn trẻ chọn có được xã hội trả nhiều tiền hay không.

“Bốn vòng tròn về đam mê, năng lực, xã hội cần và thu nhập càng trùng nhau bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu”, ông Tiến nói và khuyến khích các bạn học sinh, đặc biệt là lứa sinh năm 2006 áp dụng phương thức kiểm tra này để hiểu bản thân cần phải làm gì.

Tuy nhiên, ông Tiến cũng chia sẻ thêm rằng trong 4 yếu tố kể trên không có yếu tố nào là quan trọng nhất. “Trừ khi chúng ta “ngậm thìa vàng”, sinh ra từ vạch đích, không thì phải kiếm một nghề nghiệp nuôi sống được bản thân mình. Khi ưu tiên chuyện có nghề thì phải nhấn mạnh đến hai điều: một là tôi có năng lực làm việc đó hay không? Hai là nghề đó có được trọng dụng trong xã hội hay không?”

Dẫn báo cáo mới nhất của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2024 và báo cáo xu hướng lao động thế giới của Tổ chức lao động thế giới, ông Hoàng Nam Tiến cho rằng loạt nghề liên quan đến chữ digital như marketing, content…, những ngành liên quan đến công nghệ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, IoT, ngành nông nghiệp, sinh học, chip và bán dẫn sẽ hot trong tương lai. Bên cạnh đó, những ngành liên quan đến chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là để phòng bệnh, sẽ rất phát triển.

Phải có nghề thì mới có sự nghiệp cho riêng mình

Cùng suy nghĩ với ông Tiến, anh Nguyễn Bảo Long - Trưởng phòng Phát triển cộng đồng và quan hệ đối tác, Công ty cổ phần TopCV Việt Nam, cho biết năm 2024 doanh nghiệp Việt Nam sẽ ưu tiên các ngành liên quan đến chuyển đổi số, công nghệ thông tin bởi yếu tố về chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí và tối ưu vận hành hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ tập trung vào các vị trí giúp tăng trưởng về mặt doanh thu như là kinh doanh bán hàng, truyền thông quảng cáo, đặc biệt là digital marketing.

Ông Hoàng Nam Tiến khuyên gen Z: Trừ 'ngậm thìa vàng', còn không phải kiếm một nghề nuôi thân ảnh 3

Anh Nguyễn Bảo Long

Chia sẻ tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Kim Phương - Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic, cho biết theo thống kê về đào tạo thực tiễn tại Trường Cao đẳng FPT Polytechnic, top 3 ngành có số lượng sinh viên theo học đông nhất trong những năm gần đây là thiết kế đồ họa, digital marketing và công nghệ thông tin.

Ông Hoàng Nam Tiến khuyên gen Z: Trừ 'ngậm thìa vàng', còn không phải kiếm một nghề nuôi thân ảnh 4

Bà Nguyễn Thị Kim Phương

Bà Phương cũng tiết lộ rằng, ngành điện cơ khí, tự động hóa, du lịch, khách sạn và làm đẹp cũng đang nhận được sự quan tâm của sinh viên và đón nhận sự phản hồi tốt của thị trường.

Trường này đang xây dựng biểu học phí cho thí sinh nhập học ở Hà Nội và TPHCM là chưa đến 80 triệu đồng cho toàn khóa học (2 năm, 6 học kỳ). Các cơ sở còn lại áp dụng mức 80% học phí chuẩn.

Đặc biệt trong năm 2024 này, nhà trường đang có các loại học bổng cho các bạn 2K6, như học bổng “Thắp sáng tương lai” với mức hỗ trợ từ 10-70% học phí toàn khóa học; học bổng Phát triển nguồn nhân lực địa phương ở mức 50% trong năm đầu tiên, áp dụng tại 3 cơ sở là Thanh Hóa, Hà Nam và Thái Nguyên.

Các vị khách mời cùng nhắn nhủ thông điệp, các bạn trẻ nên lựa chọn đúng, học nhanh, có nghề và thu nhập xứng đáng; đồng thời, cần thay đổi suy nghĩ có bằng cấp sẽ có sự nghiệp mà phải có nghề thì mới có sự nghiệp cho riêng mình.

MỚI - NÓNG