Tại chương trình, anh Vũ Gia Dân - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Trưởng Ban Công tác thiếu nhi Trung ương Đoàn cho biết, là tổ chức vinh dự được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và thực hiện vai trò đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em, thời gian qua, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các cấp bộ Đoàn, Đội luôn phát huy tinh thần “Tất cả vì đàn em thân yêu”.
Đặc biệt là các mô hình hoạt động mới nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em phù hợp với tâm lý, khả năng của trẻ nhằm góp phần cùng các cấp, các ngành thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Anh Vũ Gia Dân - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Trưởng Ban Công tác thiếu nhi Trung ương Đoàn phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Nguyễn Thắng |
Trong đó, diễn đàn trẻ em là một trong những hoạt động nổi bật trong công tác phối hợp giữa tổ chức Đoàn và ngành lao động, thương binh và xã hội các cấp.
“Diễn đàn trẻ em là hoạt động để đại diện của trẻ em bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của trẻ em hoặc để cơ quan, tổ chức lấy ý kiến của trẻ em về những vấn đề về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em”, anh Dân nhấn mạnh.
Tại chương trình, nhiều em học sinh đặt câu hỏi đến các cơ quan chức năng, đại biểu tham dự diễn đàn về các vấn đề liên quan đến an toàn cuộc sống, tâm lý, tình cảm của trẻ em như tình hình bạo lực học đường, bạo lực gia đình, tình trạng trẻ em chết do đuối nước và hỏa hoạn...
Nhiều đoàn viên tham dự chương trình. Ảnh: Nguyễn Thắng |
Em Hoàng Thị Minh Châu - học sinh lớp 8A Trường THCS thị trấn Phương Sơn, huyện Lục Nam đặt câu hỏi về các hành vi bạo lực học đường có bị coi là vi phạm pháp luật hay không? Và trong độ tuổi học sinh thì mức xử phạt sẽ như thế nào? Châu mong muốn được các tư vấn rõ hơn về những hành vi bạo lực và cách phòng tránh đối với mỗi bạn học sinh.
Trả lời câu hỏi của Châu, đại tá Trần Thế Cường - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, bạo lực trong thanh thiếu niên và học đường đang là vấn nạn được toàn xã hội quan tâm. Gần đây, trên mạng xã hội có nhiều video về bạo lực học sinh gây dư luận xấu và tâm lý không tốt cho học sinh.
Theo đại tá Cường, hành vi bạo lực học đường là hành vi vi phạm pháp luật, vì tất cả mọi công dân, đặc biệt là học sinh, quyền bất khả xâm phạm về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm được pháp luật bảo vệ, nhất là trẻ em càng được quan tâm đặc biệt hơn.
Chương trình thu hút đông đảo học sinh tham gia. Ảnh: Nguyễn Thắng |
Ở độ tuổi học sinh, mức xử phạt liên quan hành vi bạo lực học đường căn cứ vào nhiều yếu tố. Trước hết là tính chất, mức độ, hậu quả và thiệt hại do hành vi bạo lực học đường gây ra, nhẹ xử phạt hành chính, nặng xử lý hình sự. Trên thực tế, có nhiều vụ bạo lực học đường bị xử lý hình sự. Căn cứ thứ hai liên quan độ tuổi. Tuổi chịu trách nhiệm xử phạt hành sự từ 14 tuổi trở lên.
Để phòng tránh bạo lực học đường, Đại tá Cường cho rằng, trước hết, khi phát hiện hành vi liên quan bạo lực học đường, các em không được giữ im lặng mà các em sớm báo với nhà trường, gia đình và cơ quan chức năng, công an để ngăn chặn. Các em cùng có trách nhiệm nói không với bạo lực học đường. Các em hướng đến các hoạt động tình nguyện nhằm tăng cường đoàn kết với nhau, vui chơi lành mạnh.
Em Nguyễn Hoàng Lan Chi - học sinh Lớp 9A3, Trường THCS Lê Quý Đôn, TP. Bắc Giang băn khoăn làm cách nào để bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực gia đình?
Một em học sinh đặt câu hỏi đến đại biểu tại diễn đàn. Ảnh: Nguyễn Thắng |
Trả lời thắc mắc của em Chi, Đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang chia sẻ, căn cứ từng vụ việc bạo lực gia đình mà xử phạt hành chính hoặc hình sự. Bạo lực gia đình dễ xảy ra trong gia đình dính tệ nạn xã hội, bố mẹ ly hôn, gia đình không hạnh phúc, bởi vậy, cần truyền thông để phụ huynh và mọi người hiểu về quyền trẻ em để giảm bạo lực gia đình, nhất là với trẻ em.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang tiếp tục nghiên cứu để đề nghị cơ quan thẩm quyền hoàn thiện pháp lý bảo vệ và giúp trẻ em có cuộc sống an toàn, lành mạnh. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang và nhiều cơ quan chức năng có đường dây nóng và sẵn sàng vào cuộc để bảo vệ trẻ em trước bạo lực gia đình. Các em cũng phải chăm ngoan, vâng lời bố mẹ, ông bà và chấp hành pháp luật.
Đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Bắc Giang cho biết thêm, thực tiễn có nhiều em bị bạo lực gia đình, nhưng không dám nói, vì sợ ảnh hưởng đến gia đình. Bởi vậy, các em nên chia sẻ về việc bị bạo lực gia đình để kịp thời giải quyết và phòng tránh.
Các đại biểu trả lời câu hỏi của các em học sinh. Ảnh: Nguyễn Thắng |
Em Nguyễn Trịnh Thảo Nhi - học sinh lớp 6A6, Trường THCS Dĩnh Kế, TP. Bắc Giang đặt câu hỏi về giải pháp gì để giảm thiểu các vụ việc tai nạn đuối nước, tai nạn thương tích?
Đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang cho biết, theo thống kế, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang có 23 vụ với 25 người thương tích, trong đó có 14 em bị tử vong do đuối nước. Nguyên nhân chủ yếu là do các em thường tò mò thấy sông, hồ, ao suối nước trong nên xuống tắm. Các gia đình nông thôn trồng cây có đào hố chứa nước để tưới nên trẻ em ra tắm dễ bị đuối nước.
Đối với các em cần trang bị kiến thức, kỹ năng (biết bơi, kỹ năng cứu người) để phòng tránh đuối nước. Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang chỉ đạo người đứng đầu chịu trách nhiệm nếu không cắm biển ở những nơi có nguy cơ xảy ra đuối nước. Nơi nào đã cắm biển cảnh báo đuối nước, các em không nên tắm ở chỗ đó.
Các em học sinh tham dự diễn đàn: Ảnh: Nguyễn Thắng |
Nguyễn Huyền Diệu - học sinh lớp 8A, trường TH, THCS Liên Sơn, huyện Tân Yên đặt câu hỏi đến đại biểu tham gia diễn đàn đạo làm cách nào để tham gia các hoạt động trên môi trường mạng được lành mạnh, bổ ích, tránh được các chiêu trò lừa đảo?
Anh Giáp Xuân Cảnh – Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Giang chia sẻ, các em chưa có kỹ năng sàng lọc thông tin nên dễ bị lôi cuốn vào các thông tin không lành mạnh trên mạng xã hội như giang hồ mạng và các trò lừa đảo việc nhẹ lương cao. Để phòng tránh, trước hết, các em cần trang bị kỹ năng và lưu ý khuyến cáo cở cơ quan chức năng và công an về các thủ đoạn lừa đảo.
Ban tổ chức tặng quà các em học sinh. Ảnh: Nguyễn Thắng |
Anh Cảnh cho rằng, bộ mẹ cũng cần quan tâm đến các con trong việc tiếp cận thông tin trên mạng xã hội và kiểm soát thời gian, cài đặt các phần mềm ngăn chặn nội dung xấu độc. Phụ huynh tìm cho con các trang website lành mạnh, hữu ích.
Tại chương trình, ban tổ chức trao 30 suất quà tặng các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.