Ứng dụng công nghệ trong khởi nghiệp
Tại diễn đàn Thanh niên Hà Nam khởi nghiệp, lập nghiệp và chuyển đổi số, anh Khổng Quang Toản - Chủ mô hình trồng hoa công nghệ cao xã Vũ Bản, huyện Bình Lục đã đưa ra những giải pháp thúc đẩy ĐVTN ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao trong khởi nghiệp, nhất là lĩnh vực nông nghiệp.
Theo anh Toản, trước hết, tổ chức Hội cần nâng cao nhận thức của ĐVTN trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới. Mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng lựa chọn giống mới, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng hướng đến sự phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp sạch.
“Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động các câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế, các trang trại; nhân rộng các mô hình sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ trong thanh niên mang lại hiệu quả kinh tế”, anh Toản nói.
Ngoài ra, anh Toản cũng đề xuất, tổ chức Hội tiếp tục phối hợp với ngân hàng duy trì và phát triển có hiệu quả các dự án vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm và chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Huy động các nguồn ưu đãi từ các ngân hàng thương mại, vốn nhàn rỗi từ các nhà đầu tư, cá nhân tham gia đầu tư cho các dự án khởi nghiệp của thanh niên.
Đại biểu chủ trì diễn đàn "Thanh niên Hà Nam khởi nghiệp, lập nghiệp và chuyển đổi số". |
Chị Lại Thị Cẩm Vân - Bí thư Đoàn phường, Chủ tịch Hội LHTN phường Hai Bà Trưng, thành phố Phủ Lý tham luận tại chương trình. |
Bổ sung thêm, chị Lại Thị Cẩm Vân - Bí thư Đoàn phường, Chủ tịch Hội LHTN phường Hai Bà Trưng, thành phố Phủ Lý cho rằng, tổ chức Hội cần tăng cường lồng ghép các gian hàng chuyển đổi số, gian hàng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các ứng dụng chuyển đổi số vào các chương trình hoạt động của các cấp Đoàn, Hội.
“Các cấp bộ Đoàn, Hội cần bám sát chủ trương, định hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương, chủ động đăng ký đảm nhận các công trình, phần việc tham gia phát triển kinh tế xã hội phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay”, chị Vân nói.
Xây dựng nông thôn mới, phát huy bản sắc văn hoá
Ở diễn đàn “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ hơn những vấn đề về nâng cao hiệu quả tuyên truyền, nhân rộng mô hình học tập, làm theo Bác trong thanh niên.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận nội dung triển khai Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022 - 2030” và cuộc vận động “Ứng xử văn minh trên không gian mạng”; việc ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật trên mạng internet ảnh hưởng tiêu cực đến thanh niên.
Các đại biểu cũng đề cập thực hiện phong trào "Ba trách nhiệm", phát huy vai trò của thanh niên trong xây dựng nông thôn mới và bảo vệ Tổ quốc; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc…
Chủ trì diễn đàn “Tôi yêu Tổ quốc tôi” có ông Nguyễn Hải Long – Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hà Nam; anh Nguyễn Xuân Đức – Phó Bí thư thường trực Tỉnh Đoàn Hà Nam; chị Phạm Thị Hải Yến – Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Nam. |
Anh Phạm Văn Cường - Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam xã Đồng Du (huyện Bình Lục) chia sẻ nhiều phần việc, hoạt động của thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao tại địa phương.
Trong đó, thanh niên phối hợp tổ chức các hoạt động thể thao nâng cao đời sống tinh thần, gắn kết đoàn viên thanh niên và cộng đồng dân cư; vệ sinh môi trường, tuyên truyền hướng dẫn xử lý phân loại rác thải tại hộ gia đình, xử lý rác thải bằng men vi sinh sinh; xây dựng công trình đường cây xanh, điểm vui chơi thiếu nhi…
Theo anh Cương, cần tăng cường các hoạt động hỗ trợ thanh niên nông thôn phát triển kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn.
Chị Nguyễn Thị Lợi - Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam phường Tiên Nội (TX Duy Tiên, Hà Nam) chia sẻ tại diễn đàn. |
Còn chị Nguyễn Thị Lợi - Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam phường Tiên Nội (TX Duy Tiên) nhấn mạnh về phát huy vai trò của thanh niên trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá quê hương, đất nước.
Theo chị, Uỷ ban Hội LHTN Việt Nam phường đã triển khai nhiều hoạt động, nội dung tuyên truyền thực tế kết hợp trên không gian mạng, như chia sẻ “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”, kết nối hội viên, thanh niên đi làm ăn xa...
Hội cũng tổ chức tham quan tìm hiểu các di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn huyện; tổ chức các chương trình văn hoá văn nghệ; phối hợp với các nghệ nhân địa phương giới thiệu và dạy hát chèo, các làn điệu diễn xướng dân gian trong trường học.
Đặc biệt, theo chị Lợi, thôn Ngô Thượng trước đây (nay là tổ dân phố Ngô Tân, phường Tiên Nội) được biết đến là nơi có chiếu chèo nổi tiếng. Chiếu chèo nơi đây hiện vẫn được duy trì, phát triển bởi những thành viên nhiệt huyết. 5 tổ dân phố trên địa bàn phường đều có câu lạc bộ văn hoá văn nghệ thu hút hội viên, thanh niên tham gia, trong đó những người trẻ là hạt nhân tích cực.
“Ngoài biểu diễn những khúc hát chèo cổ, làn điệu dân ca, những ca khúc ca ngợi về tình yêu quê hương đất nước, những thành viên chiếu chèo Ngô Tân còn tự sáng tác các bài hát, trích đoạn, tiểu phẩm, hoạt cảnh phản ánh đời sống thường nhật, tình làng nghĩa xóm, xây dựng nông thôn mới, cũng như tuyên truyền, cổ động xây dựng đô thị văn minh, bài trừ tệ nạn xã hội, hướng tới quan điểm sống tích cực, lành mạnh, đúng đắn”, chị Lợi nói.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại diễn đàn 3 với chủ đề Công tác xây dựng tổ chức Hội LHTN Việt Nam vững mạnh và đoàn kết, tập hợp thanh niên. |
Tại các diễn đàn, các đại biểu đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024 – 2029. Các đại biểu cũng đã thẳng thắn trao đổi, bày tỏ quan điểm và đặt câu hỏi về việc xây dựng tổ chức Hội LHTN Việt Nam vững mạnh và đoàn kết, tập hợp thanh niên; phát huy vai trò của thanh niên trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch; khó khăn, thách thức trong việc thúc đẩy thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự...