Học sinh TPHCM nêu thực trạng bị miệt thị, bạo lực mạng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tại kỳ họp lần thứ 12 Hội đồng Trẻ em TPHCM do Thành Đoàn, Hội đồng Đội TPHCM tổ chức ngày 13/8, nhiều bạn nhỏ đã trực tiếp chia sẻ câu chuyện bản thân gặp phải những ứng xử bạo lực từ bạn bè đồng trang lứa.
Học sinh TPHCM nêu thực trạng bị miệt thị, bạo lực mạng ảnh 1

Các em tự tin chia sẻ những câu chuyện mình chứng kiến hoặc bản thân trải nghiệm.

Học sinh TPHCM nêu thực trạng bị miệt thị, bạo lực mạng ảnh 2

Đoàn Chủ tịch kỳ họp điều hành, trao đổi cùng các đại biểu thiếu nhi.

Bị bạo lực, chỉ biết "ráng"

Học sinh TPHCM nêu thực trạng bị miệt thị, bạo lực mạng ảnh 3

Ánh Mai nêu câu chuyện của chính mình tại kỳ họp.

Bạn Phan Ánh Mai (trường THCS Lê Quý Đôn) cho biết, bản thân em bị bạo lực ngôn từ, bị bạn bè chế giễu ngoại hình và nhiều chuyện khác. Khi đó, Mai có chia sẻ với giáo viên và ba mẹ nhưng nữ sinh chỉ nhận được lời động viên “ráng thôi con” chứ gia đình không dám làm lớn chuyện hoặc yêu cầu đổi giáo viên khác.

“Nếu mình đã nói ra rồi mà không được đáp ứng hay giải quyết thì câu chuyện đó tiếp theo sẽ diễn biến như thế nào? Chắc chắn mình sẽ tiếp tục bị miệt thị về ngoại hình của mình” - Ánh Mai chia sẻ.

Học sinh TPHCM nêu thực trạng bị miệt thị, bạo lực mạng ảnh 4

Các bạn học sinh xúc động chia sẻ việc bản thân bị bạo lực, miệt thị.

Nguyễn Khánh Vân (trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa) cho rằng việc đưa ra những bình luận, ý kiến riêng trên mạng xã hội đôi lúc chỉ là những suy nghĩ vu vơ, bất chợt nhưng lại khiến người tiếp nhận bị tổn thương về tâm lý. “Chúng ta cần một hành động nhỏ là chọn lọc những lời nói đúng mực thì sẽ giúp ích cho những người phía bên kia màn hình, từ đó giữ được một môi trường sống an toàn, tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc” - Khánh Vân bày tỏ.

Bạn Nguyễn Ngọc Diễm Quỳnh (huyện Củ Chi) nhìn nhận không gian mạng bên cạnh những mặt tốt, còn có không ít tác động xấu. Nhiều em nhỏ thường xuyên xem những chương trình không phù hợp lứa tuổi, mang hình ảnh bạo lực… nhưng phụ huynh không để ý nhắc nhở và làm ảnh hưởng tâm lý, tính cách của trẻ nhỏ.

“Mong ngành giáo dục quản lý chặt chẽ nội dung trên mạng để học sinh có được môi trường an toàn” - Diễm Quỳnh nêu ý kiến.

Học sinh sẽ không còn cô độc

Trao đổi tại kỳ họp, Trung tá Nguyễn Đào Minh Huy (Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TPHCM) bày tỏ trăn trở với những chia sẻ về những vấn đề mới của các bạn nhỏ và cho biết tới đây sẽ đưa vào công tác tuyên truyền. Theo ông, nhóm của ông đang thực hiện mô hình “Người gieo mầm xanh bình an” với hành động thiết thực là sẽ đến tất cả các trường học và đảm bảo các em được bình an. Hoạt động này sẽ có các tiến sĩ tâm lý, chuyên gia phòng chống tội phạm cùng tham gia nhằm đưa ra các giải pháp chống bạo lực cho các em.

Học sinh TPHCM nêu thực trạng bị miệt thị, bạo lực mạng ảnh 5

Trung tá Nguyễn Đào Minh Huy nhắn gửi với bạn nhỏ.

“Chính chú là người gieo bình an. Khi xuống trường nào, chú khẳng định trường đó là nơi bất khả xâm phạm, tất cả những học sinh bị cô lập, bị tấn công sẽ không còn cô độc, sau lưng các bạn sẽ là chú” - trung tá Huy nhấn mạnh.

Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A cho rằng nếu các bạn nhỏ không lên tiếng thì mọi nỗ lực của người lớn không được giải quyết. Một mặt kêu gọi sự bảo vệ, trước tiên, chính các bạn phải tự bảo vệ chính mình bằng việc học tập và rèn luyện các kỹ năng cần thiết. “Các em là người đầu tiên tự bảo vệ mình. Phải tin rằng mình không có lỗi khi bị bạo lực, từ body shaming (bạo lực hình thể) cho đến bạo lực ngôn từ, bạo lực học đường” - nữ tiến sĩ cho hay.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM lưu ý, cộng đồng phải luôn luôn lắng nghe trẻ em để bảo vệ các em bằng hành động. Khi các em bị bạo hành, xâm hại thì cần xem như một tai nạn và phải thương yêu các em nhiều hơn.

“Khi các em bị xâm hại thì tâm lý bị sang chấn rất nhiều và chúng ta phải gần gũi, đồng cảm nhiều hơn để giúp các em vươn lên”, bà Nữ cho hay.

Luật sư Ngọc Nữ cũng dặn dò các bạn nhỏ yên tâm, vững vàng bởi các ngành, các cơ quan liên quan sẽ chung sức đến các trường còn những vấn đề bất cập để giải quyết dứt điểm nhằm tạo dựng một môi trường an toàn cho các bạn nhỏ.

Học sinh TPHCM nêu thực trạng bị miệt thị, bạo lực mạng ảnh 6

Chị Hiền Trân chia sẻ với các bạn nhỏ.

Chị Trịnh Thị Hiền Trân, Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội TPHCM cho rằng thầy cô, các anh chị cán bộ Đoàn - Hội - Đội đã cố gắng khơi gợi sự tham gia của các em nhiều hơn và bày tỏ những kiến nghị cụ thể để giúp giải quyết vấn đề. Ngoài ra, việc phòng chống bạo lực, miệt thị cần sự tham gia, chung tay của toàn xã hội.

Cũng theo chị Trân, cần có nhiều hơn nữa các chương trình đào tạo với sự tham gia của các cơ quan hữu quan để có thể sớm đấu tranh trực diện trước những hành vi, những thông tin xấu độc hướng vào người dân và trong đó có các bạn nhỏ.

Học sinh TPHCM nêu thực trạng bị miệt thị, bạo lực mạng ảnh 7

Dịp này, các đại biểu thiếu nhi TPHCM tham dự Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ nhất - năm 2023 đã ra mắt. Phiên họp dự kiến sẽ diễn ra tại Thủ đô Hà Nội vào tháng 9/2023.

MỚI - NÓNG
Hà Nội cuối tuần có mưa dông rải rác
Hà Nội cuối tuần có mưa dông rải rác
TPO - Diễn biến khí tượng tại khu vực Thủ đô Hà Nội trong ít ngày tới có biến động tương đối rõ rệt với hình thái có mưa dông rải rác, chủ yếu mưa to tập trung về đêm. Kéo theo đó nền nhiệt trung bình cao giảm, trong ngày có nhiều thời điểm duy trì ngưỡng dưới 30 độ C.