Ông đồ mới tiếp nối ông đồ xưa

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhà thư pháp Nam Phương Vũ Ngọc Kỳ là cháu ruột nhà thơ Vũ Đình Liên, tác giả bài thơ “Ông đồ” nổi tiếng. Tiếp xúc với “ông đồ mới” Vũ Ngọc Kỳ, được nghe bài thơ do ông sáng tác để họa lại bài thơ “Ông đồ” của bác mình năm xưa, thấy lâng lâng cảm xúc về ông đồ xưa, ông đồ nay dịp Tết đến Xuân về…

Gặp ông đồ mới

Tuy ở tuổi ngoại bảy mươi, nhưng Nam Phương Vũ Ngọc Kỳ vẫn tự nhận mình là ông đồ mới. Ông cho biết, sở dĩ nhận mình là ông đồ mới vì so với thế hệ những ông đồ trong thơ của nhà giáo Vũ Đình Liên thì ông chỉ đáng “tuổi thiếu niên”. “Bài thơ “Ông đồ” bác tôi sáng tác năm 1936, khi tôi chưa ra đời. Đến khi biết tới “Ông đồ” thì bài thơ dường như đã vận phần nào vào tôi, để sau đó tôi đã theo học thư pháp”- ông Vũ Ngọc Kỳ chia sẻ.

Nam Phương Vũ Ngọc Kỳ cho biết, ông theo học viết thư pháp không vì mục đích kiếm tiền mà để thỏa mãn niềm đam mê. Với ông, thư pháp vốn là một thú chơi tao nhã, vừa để rèn luyện trí lực, vừa tự răn mình. Thời Vũ Ngọc Kỳ theo học, những người yêu mến và sành chơi thư pháp đều biết đến thầy Hương Nam Trần Đức Cảnh, một nhà Hán học bình dị từng đào tạo nhiều thế hệ ông đồ. Vũ Ngọc Kỳ nhập môn rồi trở thành học trò cưng của thầy Trần Đức Cảnh. Sau khi thành nghề, với quan niệm thư pháp cũng có ý nghĩa làm đẹp cho đời, Vũ Ngọc Kỳ lấy bút hiệu là Nam Phương, với mong muốn đóng góp phần nào nét đẹp của mảnh trời phương Nam tới những người yêu con chữ, trọng thư pháp. Vì vậy, nhiều năm qua, cứ vào dịp giáp tết là ông đồ Vũ Ngọc Kỳ lại chuẩn bị bút nghiên, giấy, mực… và mở một quầy trên phố Văn Miếu để viết thư pháp, thể hiện niềm đam mê của mình. Ông cho biết, để viết thành công một bức thư pháp, người viết cần am tường về những con chữ, về ý nghĩa của nó với triết lý nhân sinh, với cuộc đời. Khi viết tâm hồn cần thư thái, để khi vận bút trên giấy mới tạo ra những nét chữ có hồn.

Ông đồ Vũ Ngọc Kỳ cho biết, khi xin chữ, không phải ai cũng hiểu ý nghĩa của con chữ được viết ra, nên ông thường giảng giải để họ hiểu. Điều này khiến tôi nhớ lại câu chuyện dăm năm về trước, khi lần đầu được gặp ông. Hôm đó vào dịp tết, khi cùng vợ con đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám du xuân, tôi thấy nhiều người đứng quanh quầy một ông đồ để chờ xin chữ. Lại gần, tôi thấy trên quầy ghi chữ “Nam Phương Vũ Ngọc Kỳ”, và chủ nhân là một ông đồ vận áo the, đội khăn xếp đang viết chữ cho du khách. Dù khách chờ khá đông, nhưng ông đồ Vũ Ngọc Kỳ không vội mà ôn tồn giảng giải ý nghĩa chữ mình sắp viết cho từng khách khi đến lượt. Hôm đó, trước khi viết chữ “Tâm”, ông nói: “Chữ “tâm” là nhắc đến trái tim, lòng dạ, lương tâm con người. Mọi hành động của con người đều xuất phát từ cái tâm, tâm thiện thì suy nghĩ và hành động đúng đạo lý, lẽ phải; tâm không lành thì sẽ sinh tà ý và làm điều xấu. Chữ “tâm” thường được dùng để hướng suy nghĩ của con người đến cái thiện, tu thân, dưỡng tính, sống tích cực và làm điều tốt lành”. Giải nghĩa xong, ông đồ Vũ Ngọc Kỳ cẩn thận trải tờ giấy đỏ, nhúng cây bút lông vào nghiên mục rồi phóng bút viết chữ “tâm” cho du khách. Dưới chữ chính (chính văn), ông còn viết thêm một số chữ phụ hoặc thơ để bổ trợ (phần này, theo thư pháp gọi là lạc khoản).

Tới lượt con tôi xin chữ, sau khi trò chuyện với cháu, ông đồ Vũ Ngọc Kỳ tặng chữ “Học”. Ông lý giải: “Học là để có được cái đạo sáng. Tặng cháu chữ “Học” còn có ý nghĩa: Học là có được minh tâm để đối lại với tà tâm, minh đạo đối với tà đạo, đến khi trưởng thành trở thành người tử tế”. Khi viết xong chữ “Học”, bên dưới ông viết thêm một bài thơ: “Học nhi hữu trí/Bộ bộ đăng cao/Hiếu học minh đạo/Trí dũng song toàn/Đức tài hội tụ”, và giải thích: “Học nhi hữu trí nghĩa là học có ý chí; bộ bộ đăng cao là tiến từng bước vững chắc; hiếu học minh đạo là chăm học để có được cái đạo sáng”.

Hai bài thơ “ông đồ”, hai niềm tâm sự…

Gặp lại nhà thư pháp Vũ Ngọc Kỳ tại nhà riêng trên phố mang tên nhà nho Trần Tế Xương, tôi nhắc ngoài lần gặp trên, tôi còn gặp ông lần nữa vào dịp tết Tân Sửu (2021) cách đây hai năm. Khi đó có dịch COVID-19 nên ông mở quầy muộn hơn mọi năm. Và quầy của ông đã tuân thủ nghiêm quy định như sử dụng tấm ngăn bằng mi-ca để chống “giọt bắn” khi tiếp xúc với du khách, bình sát khuẩn, đeo khẩu trang. “Tết Nhâm Dần năm ngoái dịch căng hơn nên tôi không mở quầy, phải ngồi nhà mà nhớ cảnh viết thư pháp đầu xuân da diết. Năm nay dịch đã yên tôi lại mở quầy, nhưng vẫn phải tuân thủ nghiêm quy định như trước”, ông Vũ Ngọc Kỳ cho biết.

Ông đồ mới tiếp nối ông đồ xưa ảnh 1

Ông Vũ Ngọc Kỳ trong một cuộc tham gia viết thư pháp. Ảnh nhân vật cung cấp.

Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh chuyện ông đồ mới, ông đồ xưa. Ông Vũ Ngọc Kỳ lấy ra một bản in đẹp đưa tôi xem, trong đó có hai bài thơ “Ông đồ” và “Gặp ông đồ mới nhớ ông đồ xưa”. Phía trên hai bài thơ ghi dòng chữ: “Hai bài thơ ông Đồ - Hai bác cháu - Hai thời đại - Hai niềm tâm sự”. Đề cập đến bài thơ “Ông đồ”, ông Vũ Ngọc Kỳ nhận xét đó là một trong những bài thơ tiêu biểu của phong trào thơ mới. Bài thơ với hai mươi câu đã làm sống lại hình ảnh đẹp của ông đồ xưa, đồng thời cũng pha nỗi xót xa khi một nét văn hóa của dân tộc đã phần nào bị mai một ở giai đoạn này. Nhẩn nha đọc khổ đầu bài thơ: “Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già/Bày mực tàu giấy đỏ/Bên phố đông người qua”, Nam Phương Vũ Ngọc Kỳ nhận xét những câu thơ này khắc họa một cách điển hình về tết xưa với hình ảnh ông đồ cùng nét đẹp của thư pháp được mọi người ưa chuộng. Bởi thế hình ảnh ông đồ viết chữ thuê trên những con phố sầm uất đã trở nên quen thuộc mỗi khi tết đến xuân về: “Bao nhiêu người thuê viết/Tấm tắc ngợi khen tài/Hoa tay thảo những nét/Như phượng múa rồng bay”.

“Người viết thư pháp vừa để rèn luyện trí lực, vừa tự răn mình và làm đẹp cho đời”

Nhà thư pháp Vũ Ngọc Kỳ

Nhưng rồi, những năm đầu thế kỷ 20, khi văn hóa phương Tây du nhập vào nước ta, số người nhiệt thành với chữ Nho “mỗi năm mỗi vắng”, phong tục treo câu đối tết cũng nhạt phai. Ông đồ dần bị lãng quên, khiến những vật vô tri luôn bên cạnh ông dường như cũng có cảm xúc: “Giấy đỏ buồn không thắm/Mực đọng trong nghiên sầu”. “Khổ cuối bài thơ “Ông đồ” khá ám ảnh khi mỗi dịp tết đến mà không thấy hình bóng ông đồ xưa. Ông phải lui vào quá khứ, trở thành người thiên cổ khiến tác giả Vũ Đình Liên day dứt tự hỏi: “Năm nay đào lại nở/Không thấy ông đồ xưa/Những người muôn năm cũ/Hồn ở đâu bây giờ?”, ông Vũ Ngọc Kỳ luận giải.

Ông đồ mới tiếp nối ông đồ xưa ảnh 2

Ông đồ Vũ Ngọc Kỳ viết thư pháp cho khách du xuân tại khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám Ảnh: K.N

Trong nhiều năm, cứ mỗi độ tết đến xuân về, nhà thư pháp lại nhớ đến bài thơ “Ông đồ”. Trong bài thơ, tác giả không chỉ xót thương ông đồ mà cả một lớp người như ông, khi “người thuê viết nay đâu”… Nhưng rồi, nỗi buồn đó của ông đồ xưa dần lui khi nét đẹp văn hóa này được phục hồi trở lại. Những ông đồ mới, trong đó có Nam Phương Vũ Ngọc Kỳ có dịp đóng góp khả năng viết thư pháp của mình mỗi khi tết đến xuân về. “Năm 2000, khi đất nước bước sang thiên niên kỷ mới, tôi cảm xúc viết bài “Gặp ông đồ mới, nhớ ông đồ xưa” cũng với hai mươi câu để họa lại bài thơ “Ông đồ” của bác mình”- nhà thư pháp Vũ Ngọc Kỳ cho biết. Rồi ông nhẩn nha đọc tôi nghe: “Hôm nay đi chợ tết/Bỗng gặp lại ông đồ/Bao lâu rồi vắng bóng/Tưởng chỉ còn trong thơ/Vẫn mực tàu giấy đỏ/Bên phố đông người qua/Ngọn bút vờn trên giấy/Thư pháp quả tài hoa…”.

“Khổ cuối bài thơ “Ông đồ” khá ám ảnh khi mỗi dịp tết đến mà không thấy hình bóng ông đồ xưa. Ông phải lui vào quá khứ, trở thành người thiên cổ khiến tác giả Vũ Đình Liên day dứt tự hỏi: “Năm nay đào lại nở/Không thấy ông đồ xưa/Những người muôn năm cũ/Hồn ở đâu bây giờ?”, ông Vũ Ngọc Kỳ luận giải.

Nhà thư pháp Vũ Ngọc Kỳ cho biết, khi còn sống, nhà thơ Vũ Đình Liên từng tâm sự với ông về sự nuối tiếc khi một truyền thống văn hóa của dân tộc dần bị lãng quên, được chuyển tải qua nỗi cô đơn tận cùng của ông đồ trong ngày tết: “Ông đồ vẫn ngồi đấy/Qua đường không ai hay/Lá vàng rơi trên giấy/Ngoài giời mưa bụi bay”. Thì nay trong thơ của mình, Vũ Ngọc Kỳ đối lại: “Nét văn hóa dân tộc/Tự nghìn xưa đến giờ/Đón xuân bên câu đối/Thắp sáng bao ước mơ”. Để rồi trong phần kết, ông viết: “Giờ giao thừa đã điểm/Trống hội rộn đất trời/Đất nước vào Xuân mới/Vui… vui lắm bạn ơi”. “Câu cuối bài thơ, tôi viết chung cho mọi người. Nhưng với riêng tác giả “Ông đồ”, tôi thầm sửa lại là Vui lắm bác Liên ơi”, ông Vũ Ngọc Kỳ cho biết.

Kết thúc cuộc gặp, “ông đồ mới” Vũ Ngọc Kỳ nhắc lại ý mình đã nói ban đầu: “Bài thơ của tôi đơn giản chỉ họa lại đôi chút bài thơ “Ông đồ”. Bài thơ này muốn góp thêm một nét về bức tranh xuân ngày tết, và cùng nhớ về hình ảnh ông đồ xưa, ông đồ nay”.

MỚI - NÓNG