Đề xuất ngân sách năm 2022 dự kiến được ông Biden trình lên Quốc hội trong ngày 28/5, trong đó nêu ra những khoản đầu tư nâng cao năng lực sẵn sàng của quân đội, phát triển năng lực trong không gian, triển khai Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương để đối phó việc Trung Quốc quân sự hoá và tập trung lực lượng ở khu vực này, đồng thời phát triển công nghệ vũ khí hạt nhân, Reuters đưa tin.
Ngân sách đề xuất sẽ được dùng để mua tàu, máy bay, trả chi phí bảo dưỡng và lương, nhưng thêm 38 tỷ USD cho các chương trình liên quan đến quốc phòng của Cục điều tra liên bang (FBI), Bộ Năng lượng và các cơ quan khác. Tổng số chi phí quốc phòng sẽ là 753 tỷ USD, tăng 1,7% so với năm nay.
Khoản ngân sách đó cũng sẽ có một phần dành cho phát triển và thử nghiệm những vũ khí siêu thanh và các hệ thống vũ khí thế hệ mới, nhằm phát triển năng lực đối phó Nga và Trung Quốc.
Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương được lập ra để đối phó với Trung Quốc, tập trung vào sự cạnh tranh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và nâng cao năng lực sẵn sàng của Mỹ tại khu vực này thông qua đầu tư vào các hệ thống radar, vệ tinh và tên lửa.
Để chi trả cho những việc này, những người nắm được vấn đề cho biết Lầu Năm góc đề xuất giảm đầu tư cho những hệ thống cũ đòi hỏi chi phí bảo dưỡng cao, bao gồm 4 tàu chiến ven bờ, nhiều máy bay A-10 dùng để hỗ trợ lực lượng mặt đất, một số máy bay KC-10 và KC-135.
Căng thẳng với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán đang là vấn đề quan tâm chính của các nhà hoạch định quân sự Mỹ.
Trong số những ưu tiên của Lầu Năm góc, chính quyền Biden sẽ đề xuất mua 85 máy bay chiến đấu F-35 của Lockheed Martin. Ngân sách năm 2021 và 2020 đề xuất mua tương ứng là 79 và 78 máy bay loại này.
Chính quyền Biden sẽ tiếp tục đầu tư hiện đại hoá bộ ba hạt nhân, một nhiệm vụ tốn kém sẽ ngốn trung bình 60 tỷ USD mỗi năm trong thập kỷ này và tổng số hơn 1 nghìn tỷ USD, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ cho biết.