“Tôi xác định và xác nhận với Quốc hội rằng các nước sau đây không hợp tác đầy đủ với Mỹ trong nỗ lực chống khủng bố”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken viết trong báo cáo liệt kê Cuba cùng với Iran, Triều Tiên, Syria và Venezuela.
“Sự vu khống đó gây ngạc nhiên và khó chịu như chính sách của Trump và các biện pháp trừng phạt của ông ta”, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez viết trên Twitter.
Khi được đề nghị giải thích về quyết định này, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ nói hôm 25/5: “Khi đưa ra những quyết định hằng năm về việc ‘không hợp tác đầy đủ’, chúng tôi đánh giá lại toàn bộ mức độ hợp tác của một quốc gia trong nỗ lực chống khủng bố”.
Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng quyết định này được đưa ra “dựa trên luật riêng biệt”.
Trong lúc tranh cử, ông Biden hứa rằng sẽ đảo ngược một số biện pháp của đối thủ Trump với Cuba vì những biện pháp đó “gây hại cho người dân Cuba và không có tác dụng gì trong việc thúc đẩy dân chủ và nhân quyền”.
Ông Biden từng là cấp phó cho cựu tổng thống Barack Obama, người đã có bước đi lịch sử khi bắt tay Chủ tịch Cuba Raul Castro năm 2016. Sau khi lên nắm quyền, ông Trump tái áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại và kinh doanh với Cuba mà ông Obama đã nới lỏng hoặc dỡ bỏ.
Những người ủng hộ Cuba kỳ vọng rằng ông Biden sẽ sớm đảo ngược chính sách của Trump, nhưng chính quyền hiện tại nói rằng thay đổi chính sách với Cuba không nằm trong danh sách ưu tiên đối ngoại của họ.
Oxfam, tổ chức phi chính phủ thực hiện các hoạt động từ thiện toàn cầu, vừa thúc giục ông Biden bình thường hoá quan hệ với Cuba và dỡ bỏ trừng phạt, khi Cuba đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong 30 năm.
Oxfarm nói rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ từ gần 6 thập kỷ trước đang “gây cản trở nghiêm trọng cho sự phát triển của dân số Cuba”.
“Hôm nay, khi phải đối diện với một cuộc khủng hoảng y tế, Oxfam cho rằng thay đổi chính sách là việc làm cấp thiết”, giám đốc Oxfam Cuba Elena Gentili nói với báo giới từ Havana.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ bắt đầu áp dụng với Cuba từ năm 1962. Tình trạng này cùng với đại dịch COVID-19 đã khiến nền kinh tế Cuba tăng trưởng -11% trong năm 2020, mức tồi tệ nhất kể từ năm 1993.