“Chúng tôi nghe những lời mắng chửi chỉ để thưởng thức món này” - ông đầu bếp tóc bạch kim hí hửng giơ đũa khoe trước ống kính rồi cắm đầu vào bát bún, xì xụp…
Quả thực đây là một phóng sự đẳng cấp Mỹ, từ hình ảnh tới lời bình, cũng như nhân vật. “Mùi khói xe, nước mắm, nhang thơm. Việt Nam tràn ngập mùi vị. Việt Nam không giống nơi nào khác”. Có ai ca ngợi đất nước mình ấn tượng được thế không ?
Anthony dùng từ “chửi” cũng là bắt chước thực khách người Việt khi hài hước nhắc đến thương hiệu của bà chủ quán bún. Chứ vốn là kẻ “giang hồ” khắp thế giới, ông thừa biết đó chỉ là một “cách giao tiếp thẳng thắn và suồng sã”. Chì chiết, mát mẻ là chính.
Chỉ xem cảnh ông đầu bếp trứ danh đội mũ bảo hiểm thời trang, như anh chàng cowboy cưỡi xe máy lượn vèo vèo phố phường Hà Nội xô bồ nháo nhào xe cộ, trên nền tiếng tom chát chầu văn. Đã thấy đời vui nhộn lắm, có gì nghiêm trọng đâu.
Đâu có gì nghiêm trọng như một số bác lo lắng than phiền, rằng “miếng ăn là miếng nhục, tự hào gì bún chửi Hà Nội lên CNN” ! Tây nó biết cả đấy. Chỉ là một ca bán hàng độc/dị, như mọi thứ độc dị vốn hiếm hoi trên thế gian này. Chứ chẳng ngờ nghệch đến nỗi coi “văn hóa” người Việt đều là rứa rứa. Nếu đâu cũng thế, chẳng ai mất công lặn lội đi tìm làm gì.
Đời, rất đau đầu nếu thứ gì cũng xếp chung vào cái rọ mang tên “đạo đức”, các bác ạ. Chấp nhận một thế giới bừa bộn, với những dị biệt, biến đó thành tiếng cười, có phải hơn không.
Ơ, buồn cười lắm. Còn nếu nghiêm trọng quá, chắc tượng Phật nghìn mắt nghìn tay ở Văn Giang (Hưng Yên) chả khi nào chịu để cho cái thằng 2 mắt 2 tay nào đó bưng đi mất, em thật.