Núp bóng nghệ thuật

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sáng sớm, chưa kịp nạp năng lượng để bắt đầu một ngày làm việc mới, ông Hải - chủ cửa hàng kinh doanh đồ nội thất ở trung tâm quận 3 (TPHCM) nổi quạu vì phát hiện cửa cuốn ở mặt tiền căn nhà bị sơn vẽ vằn vện, nhem nhuốc. Bức tường mới sơn nước vài hôm trước cũng chịu chung số phận.

Buồn bực, ông chủ cửa hàng bỏ điểm tâm sáng, lẳng lặng gọi điện thoại cho cảnh sát khu vực, giọng đầy bức xúc. Đến thời điểm này, căn nhà của ông đã 4 lần vô cớ bị người lạ xâm hại. Mỗi lần bức tranh của các “nghệ sĩ đường phố” xuất hiện, ông mất cả triệu đồng thuê thợ sơn lại nhưng cũng chỉ được dăm bữa, nửa tháng. Thuê bảo vệ thì ông không đủ khả năng; gắn camera an ninh, vài lần “tóm” được chân dung các thủ phạm nhưng trình báo hết lần này đến lần khác vẫn không thấy công an xử lý. “Nhiều hôm nản quá, tôi muốn bỏ mặc luôn nhưng mình bán đồ nội thất, để cửa hàng lem nhem như vầy coi sao đặng. Thôi thì cố nuốt cục tức để còn làm ăn, buôn bán...” - ông chủ cửa hàng bộc bạch.

Ông Hải là một trong số hàng nghìn nạn nhân của cái gọi là trào lưu “nghệ thuật đường phố” vốn mới xuất hiện ở nước ta vài năm qua. Ban đầu, các “họa sĩ đường phố” chỉ dám chọn những nơi nhếch nhác, mất vệ sinh như gầm cầu, tường rào… nói chung là “cha chung không ai khóc” để trổ tài. Điều đáng nói, các hành vi xâm hại tài sản của tổ chức, cá nhân đã không được nhìn nhận, đánh giá đúng bản chất để ngăn chặn, xử lý kịp thời ngay từ khi còn trứng nước. Ngược lại, nhiều nơi còn cổ vũ, khuyến khích các “họa sĩ” sáng tạo... Không ít chuyên gia hô hào, lấy quy định của nước này, quốc gia kia để yêu cầu nhà nước tạo sân chơi cho những người…vẽ bậy, cho dù ngày càng có nhiều nước nói không với hành vi vi phạm pháp luật nói trên.

“Cái sảy” nảy “cái ung”. Chỉ trong thời gian ngắn, các hành vi vi phạm pháp luật đã nhanh chóng lan rộng tại nhiều địa phương, trở thành nỗi ám ảnh của cộng đồng. Bất kỳ nơi nào, từ công sở, nhà dân cho đến những chốn tôn nghiêm như đền, chùa, bảo tàng… đều trở thành chỗ vẽ bậy của những người thiếu ý thức, trong đó có không ít kẻ trong đời chưa từng cầm đến cây cọ, giá vẽ…

Trật tự xã hội và mỹ quan đô thị đang bị đe dọa, xâm hại nghiêm trọng. Đáng buồn thay, nhiều địa phương lại có biểu hiện thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, chỉ dừng lại ở biện pháp tuyên truyền vận động; chưa kiên quyết xử lý vấn nạn bôi bẩn đường phố, cho dù các hình thức chế tài theo quy định của pháp luật đã tương đối đầy đủ, đảm bảo tính chất răn đe.

Vụ kẻ xấu xâm nhập vào nơi được bảo vệ nghiêm ngặt như Depot Long Bình (TP Thủ Đức, TPHCM) để bôi bẩn hai đoàn tàu nhập từ Nhật Bản đang chuẩn bị cho việc vận hành tuyến metro trị giá hàng tỷ đô chính là giọt nước làm tràn ly, thách thức pháp luật. Đã đến lúc các cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý kiên quyết các đối tượng phạm tội nhằm ngăn chặn triệt để vấn nạn này, nhất là tại một số nơi, vẽ bậy đã manh nha biến tướng, trở thành công cụ đắc lực cho kẻ xấu lợi dụng trong các phi vụ đòi nợ, bảo kê, tống tiền…

MỚI - NÓNG