Năm 1995, ông Nguyễn Đình Hương (53 tuổi, Đại Lộc, Quảng Nam) được Nhà nước cấp cho hơn 3 ha đất trên núi Trà Cận để sản xuất. Đam mê làm kinh tế trang trại, ông quyết định đào ao nuôi cá và nuôi thử nghiệm nhiều giống cá như cá trắm, cá mè, cá trôi… Tuy vậy, việc làm ăn không được như mong muốn khi bỏ nhiều công sức, chi phí cao mà thu nhập vẫn thấp.
Đến đầu năm 2012, sau nhiều lần theo dõi, nghiên cứu mô hình nuôi ba ba, ông Hương quyết định đầu tư vốn vào nuôi con vật này. Cất công bắt xe vào Bình Dương để mua 150 con giống về nuôi thử nghiệm, trong năm đầu, vì chưa có nhiều kinh nghiệm nên ông chỉ bán được 100 con, thu 50 triệu. Lứa ba ba đầu đã giúp ông nhân giống thành công 1.000 con cho năm tiếp theo.
Điều thuận lợi là mảnh đất rừng của gia đình phù hợp cho nuôi ba ba. "Nước trong ao nuôi được cung cấp từ trong lòng đất, rất sạch và ít bị ô nhiễm", ông nói. Thêm vào đó, nguồn thức ăn là cá nhỏ, nội tạng động vật giá rẻ và cám ăn bổ sung.
"Phải thường xuyên túc trực tại trang trại để đảm bảo mực nước ao nuôi 1 mét trở lên. Trên mặt ao nuôi giai đoạn ba ba đẻ và lấy thịt phải đặt bè tre nổi để chúng lên phơi nắng. Tránh tiếp xúc nhiều và va chạm vì điều này sẽ làm ba ba sợ và bỏ ăn", ông chia sẻ kinh nghiệm.
Nhờ đảm bảo kỹ thuật trong quá trình nuôi, đến ngày thu hoạch, ông Hương bán mỗi con loại 1,5 kg với giá hơn 500.000 đồng. Mỗi năm, trang trại với 7 ao nuôi giúp gia đình ông thu lãi từ 200 đến 250 triệu đồng. Thương lái mối quen tìm đến trang trại ông thu mua là chủ các nhà hàng trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng.
Trang trại rộng hơn 7 ha, với 7 ao nuôi trên diện tích đất rừng của ông Hương. Ảnh: Nguyễn Dương/ VnExpress
Ngoài ba ba, hiện nay, ông Hương còn kết hợp nuôi trong trang trại gần 60 con dê, 3 bò nái, gần 200 con gà, cho thu nhập thêm trên 100 triệu đồng mỗi năm. Cuối năm 2014 vừa qua, ông Hương nhận bằng khen Nông dân sản xuất giỏi của UBND tỉnh Quảng Nam.
Ông Hồ Ngọc Mẫn, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Đại Lộc, cho biết trang trại nuôi ba ba của ông Hương hiện nay là lớn nhất huyện, cho thu nhập cao. "Sắp tới, chúng tôi sẽ mở rộng mô hình này cho bà con bằng việc thông qua những kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi của ông Hương và tìm những đối tác hỗ trợ, thương lái uy tín cho người nuôi", ông Mẫn nói.