Bộ trưởng Hồ Đức Phớc có lẽ buốt ruột trước số tiền phải đem gửi ngân hàng, trong khi cộng đồng doanh nghiệp đang “khát” vốn.
Những năm dịch bệnh Covid, còn có thể lý giải việc ứ đọng vốn dễ được chấp nhận nhưng giai đoạn này, khó biện minh cho những đồng tiền tồn đọng. Phải chăng, cách nói từ năm ngoái của lãnh đạo Sở KH&ĐT Đắk Nông công khai khi đề cập về giải ngân đầu tư công chậm là do…mưa năm nay còn có lý? Cùng với thời tiết, một số quan chức các tỉnh sính chọn cách đổ thừa cho cơ chế. Đương nhiên, do cả mưa và cơ chế, nghĩa là không do ai cả.
Câu chuyện TP HCM gửi hàng trăm văn bản (hỏi) về vấn đề trong thẩm quyền (tự quyết) lên Bộ KH&ĐT cũng là một trong những biểu hiện không dám quyết. Nên nhớ, năm nay, TP HCM được Chính phủ giao hơn 70 nghìn tỷ đồng để thực hiện đầu tư công (cao gần gấp đôi năm 2022), thế nhưng hết quý I năm 2023, tỷ lệ giải ngân mới đạt 2%. Mới đây, thành phố này ra văn bản đốc thúc và “đe” xử lý người đứng đầu đơn vị để xảy ra tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm. Có lẽ phải chờ đến lúc xử lý làm gương vài vị, may chăng tiến độ sẽ khá hơn.
Chỉ cần nhìn vào những công trình lớn ở 2 đầu đất nước như tuyến tàu điện ngầm (metro) chậm tiến độ hàng thập kỷ đã biết ngay năng lực điều hành dự án ra sao. Đầu tư công chậm tiến độ, chậm triển khai ngày nào, đồng tiền tồn đọng càng trở nên lãng phí ngày đó. Mà lãng phí nghiêm trọng không kém tham nhũng. Ở đây cần nhận diện rõ sự trì trệ này có phần biểu hiện của việc sợ sai, không dám làm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Tình trạng này chỉ có những đơn vị thẩm thấu chính sách như cộng đồng doanh nghiệp là cảm nhận rõ nhất.
Oái ăm thay, trong khi tiền ngân sách như thế, doanh nghiệp tư nhân nhiều nơi rơi vào cảnh ngắc ngoải vì không tiếp cận được nguồn vốn. Những thông tin doanh nghiệp “khai tử” tăng khiến cho bức tranh nền kinh tế thêm u ám. Khảo sát hơn 9.500 doanh nghiệp vừa được Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân gửi Thủ tướng cho thấy: Hơn 82% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước liên tục dùng nhiều “chiêu” giảm lãi suất, thậm chí có hẳn gói hỗ trợ lãi suất 2% (gói 40 nghìn tỷ đồng) nhưng vẫn không đạt như kỳ vọng. Gần đây, gói 120 nghìn tỷ cho vay ưu đãi với chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, sau 1 tháng cũng không phát sinh nợ… Tiền đâu phải còng số tám hay vành móng ngựa mà gieo nỗi sợ hãi đến như vậy? Cần xem xét lại cách người ta ứng xử với tiền trên truyền thông. Bởi vì, truyền thông nhiều mà hiệu quả thấp, ẩn nấp sau đó là điều gì?