Theo báo cáo tài chính riêng lẻ của Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank), tính tới cuối quý II, tổng nợ xấu (nợ nhóm 3-5) ở mức hơn 24.100 tỷ đồng. Mức này tăng hơn 20% so với thời điểm kết thúc quý I. Trong đó, riêng nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4, quá hạn từ 181 ngày đến 360 ngày) của nhà băng này lên hơn gấp đôi sau 3 tháng, trên 13.400 tỷ, so với quy mô hơn 5.300 tỷ đồng cuối quý I.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) có tổng nợ xấu tại thời điểm cuối tháng 6 là 12.548 tỷ đồng, tăng 14,2% so với hồi cuối năm 2023. Kéo theo tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay của Sacombank tăng từ 2,28% năm trước lên 2,43%.
Nợ xấu ngân hàng ngày càng tăng cao. |
Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) tính đến 30/6, tổng nợ xấu của hơn 8.122 tỷ đồng, cả 3 nhóm nợ đều tăng nhẹ,, trong đó có nhóm nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5).
Nợ xấu ACB từ thời điểm đầu năm 2024 là 1,21% đã tăng lên 1,49% (tuy nhiên, xét trên tổng thế toàn hệ thống đây cũng là mức nợ xấu thấp của khối NHTM cổ phần ). Cụ thể, nợ có khả năng mất vốn hơn 5.525 tỷ đồng (thời điểm đầu năm hơn 3.897 tỷ đồng) nợ nghi ngờ hơn 1.309 tỷ đồng (đầu năm là 1.048 tỷ đồng) và nợ dưới tiêu chuẩn là 1.287 tỷ đồng (đầu năm 940 tỷ đồng).
Nhóm nợ có khả năng mất vốn sau 6 tháng tăng hơn 1.628 tỷ đồng, tương đương với tăng 29,46%, là nhóm (nợ) tăng mạnh và chiếm 68% trên tổng số của 3 nhóm nợ xấu.
Đáng chú ý, các khoản nợ đang có dấu hiệu dịch chuyển. Trong khi nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) giảm 1,9 lần xuống 2.425 tỷ đồng thì nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) của Sacombank tăng mạnh nhất, gấp 1,7 lần đầu năm lên 8.409 tỷ đồng.
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, nợ xấu đang có xu hướng tăng là điều cần lưu ý. Hiện, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã lên gần 5%. Nếu bao gồm nợ tiềm ẩn có khả năng thành nợ xấu, nợ xấu bán cho VAMC... thì con số tỷ lệ nợ xấu khoảng 6,9%.
Cũng theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu trở thành thách thức không chỉ của ngành ngân hàng mà còn của toàn nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp đảm bảo chất lượng tín dụng trong thời gian tới cũng như trích lập dự phòng nợ xấu để đảm bảo an toàn.
Trên cơ sở dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước, xét về số tuyệt đối, Công ty chứng khoán Rồng Việt ước tính nợ xấu nội bảng đã tăng thêm khoảng 75.900 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Đáng chú ý, nợ cơ cấu lại thời hạn và giữ nguyên nhóm nợ (theo Thông tư 06/2024 sửa đổi Thông tư 02/2023) tăng khá mạnh (tổng giá trị nợ gốc và lãi đã tăng thêm 25,5% so với cuối năm 2023 lên 230.400 tỷ đồng). Ngoài ra, số lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cũng tăng mạnh, từ 188.000 lượt lên 282.000 lượt tính đến cuối tháng 6 năm nay.