Những ưu tiên của Nhật Bản, chủ nhà G-20 năm tới

TPO - Nhật Bản sẽ đưa các vấn đề, từ mất cân bằng thương mại toàn cầu tới tác động của dân số già vào chương trình nghị sự khi nước này làm chủ tịch luân phiên G-20 trong năm tới, các quan chức chính phủ nói.

Vào cuối phiên hội nghị G-20 ở Buenos Aires, Argentina, bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso giới thiệu các vấn đề ưu tiên mà các bộ trưởng tài chính, thống đốc ngân hàng thành viên sẽ xem xét vào năm tới khi Nhật Bản nhận vai trò chủ tịch luân phiên G-20 từ Argentina.

Nhật Bản sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Fukuoka vào tháng 28-29/6/2019.

Những ưu tiên của Nhật Bản, chủ nhà G-20 năm tới ảnh 1 Phó thủ tướng, bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso

Reuters tường thuật, dẫn lời các quan chức Nhật rằng, Tokyo sẽ kiên định với lập trường rằng sự mất cân bằng tài khoản vãng lai toàn cầu lại cần được chỉnh sửa thông qua điều phối chính sách đa quốc gia thay vì các thỏa thuận song phương.

Mất cân đối lớn cần được điều chỉnh thông qua việc cải thiện tỷ lệ giữa đầu tư và tiết kiệm bằng chính sách vĩ mô kèm cải tổ cơ cấu.

Mất cân bằng thương mại từng là một chủ đề chính của hội nghị G-20, tập trung vào tài khoản vãng lai của từng quốc gia, hoặc tổng thể dòng tiền lưu thông.

Phương pháp tiếp cận này đi ngược lại cách thức của tổng thống Mỹ Donald Trump, tập trung vào việc làm giảm bớt thâm hụt thương mại của Mỹ bằng việc áp thuế và sử dụng các thỏa thuận song phương. Chính phương pháp tiếp cận này cùng với chính sách “nước Mỹ trên hết” của ông Trump đã phủ bóng đen lên các cuộc tranh luận tại hội nghị G-20  lần này.

Quan điểm của Nhật Bản nhấn mạnh một điều rằng thay vì tập trung quá nhiều vào chuyện mất cân đối thương mại song phương, cần chú ý hơn về dòng chảy tư bản tổng thể và các yếu tố cấu trúc đằng sau thâm hụt thương mại của Mỹ, ví dụ như thiếu hụt tiết kiệm trong nước.

Đang phải vật lộn với tình trạng dân số già và nợ công, Nhật Bản cũng sẽ tập trung về vấn đề dân số gia và ảnh hưởng của nó tới chính sách tài chính và tiền tệ trong hội nghị G-20 năm tới. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda từng nói một dân số già có thể tạo ra những thách thức nghiêm trọng đối với các ngân hàng trung ương, vì hiện tượng này dẫn đến hậu quả là tiêu hủy tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế. Các ngân hàng trung ương sẽ buộc phải sử dụng nhiều tiền hơn trước để kích thích tăng trưởng.

Theo Theo Reuters
MỚI - NÓNG