Theo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, thành phố Cần Thơ có các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đảm bảo đủ tiêu chuẩn, thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập.
Cụ thể, giai đoạn 2023-2025, có 4 đơn vị hành chính cấp xã thuộc quận Ninh Kiều phải sắp xếp, sáp nhập, gồm các phường: An Cư, An Phú, An Nghiệp, Thới Bình.
Giai đoạn 2026-2030, có 5 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: phường Ba Láng (quận Cái Răng), xã Đông Thắng và xã Thới Đông (huyện Cờ Đỏ), thị trấn Vĩnh Thạnh và xã Thạnh Thắng (huyện Vĩnh Thạnh); 1 đơn vị hành chính cấp huyện là huyện Phong Điền thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập.
Tuy nhiên, tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện tinh giản biên chế và công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 của UBND thành phố Cần Thơ, ông Huỳnh Trung Trứ - Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều kiến nghị thành phố đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép không sáp nhập, giữ nguyên 11 phường hiện tại của quận này.
Một góc quận Ninh Kiều. Ảnh: CK. |
Theo ông Trứ, đề xuất của quận có 3 lý do. Thứ nhất, quận Ninh Kiều là đơn vị đặc thù có yếu tố quan trọng về quốc phòng. Thứ hai, quận đang thực hiện Nghị quyết 15 của Thành ủy về cơ chế chính sách đặc thù quận Ninh Kiều, trong đó nội dung xem xét mở rộng địa giới hành chính quận.
“Từ nay đến cuối năm quận sẽ họp với Sở Nội vụ và các sở ngành để xây dựng đề án mở rộng địa giới hành chính, song song đó sẽ xem xét trình phương án điều chỉnh ranh giới, địa giới của các phường cho phù hợp và đảm bảo được tính chất đô thị, đảm bảo phát triển bền vững”, ông Trứ nói.
Ông Trứ dẫn chứng, riêng phường An Khánh đang “quá tải” khi dân số có tới 50.000 người. Nếu không có sự kết hợp mở rộng địa giới hành chính cùng với điều chỉnh ranh giới hành chính của các địa phương trong nội ô thì sẽ không đảm bảo được phát triển bền vững của quận trung tâm…
Lý do thứ ba, theo ông Trứ, Ninh Kiều là quận trung tâm, hạt nhân của thành phố về chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh, tập trung các cơ quan quan trọng. “Chúng tôi đang thống kê cụ thể các yếu tố đặc thù về chính trị, kinh tế, xã hội để làm cơ sở đề xuất giữ nguyên các phường. Quận sẽ xin ý kiến và có phương án đề xuất cụ thể để trình, rất mong UBND thành phố xem xét tính chất đặc thù của quận…”, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều kiến nghị.
Ông Châu Việt Tha – Giám đốc Sở Nội vụ Cần Thơ cho biết, sở ghi nhận ý kiến và sẽ tập hợp để trình cấp có thẩm quyền xem xét. “Tuy nhiên, việc sắp xếp đơn vị hành chính, chúng ta đề xuất, Chính phủ sẽ trình và Quốc hội sẽ có ý kiến để ra nghị quyết. Do vậy, cần cân nhắc, bám sát vào những điều kiện, tiêu chuẩn tại Nghị quyết 35/2023 để khi trình khỏi bị trả tới trả lui, mất thời gian”, ông Tha lưu ý.
Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường cũng ghi nhận ý kiến của Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều và đề nghị quận có đề xuất phương án để trình cấp có thẩm quyền xem xét. “Mình có quyền đề xuất, Chủ tịch quận viện dẫn có nhiều ý phù hợp, tuy nhiên quyết định không phải cấp thành phố, mà của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chúng ta vẫn phải thực hiện nghị quyết”, ông Trường nói.
Chủ tịch Trần Việt Trường cũng yêu cầu tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả kết luận của Bộ Chính trị, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ, ngành có liên quan, văn bản chỉ đạo của của thành phố về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.
Ông Trường lưu ý cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo đơn vị hành chính mới hình thành sau khi sắp xếp hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả. Thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có liên quan tại các đơn vị hành chính sắp xếp…