Những con tàu nằm lại đáy biển khơi

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những ngày cuối tháng 10/2023, làng biển Tam Giang, Tam Quang (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) được nhắc đến đau đáu bi thương khi hai chiếc tàu câu mực QNa 90129TS và QNa 90927TS cùng bị lốc xoáy, sóng dữ nhấn chìm. Hai người chết, 13 người mất tích cùng hai chiếc tàu nằm lại đáy biển khơi.

Đó là những ngày trào nghẹn cảm xúc, bàng hoàng không chỉ với người nhà những nạn nhân, mà cả với cánh phóng viên chúng tôi khi nhận hung tin tàu chìm. Thấp thỏm, đợi chờ, phập phồng khi có thêm ngư dân được tìm thấy, để rồi chứng kiến cuộc trở về thấm đẫm nước mắt.

Như thước phim quay chậm, tôi giờ đây vẫn ám ảnh ánh mắt của những người mẹ, người vợ lấy chồng theo nghề “hồn treo cột buồm” cả đời thăm thẳm âu lo, đợi chờ. Và một điều nữa khiến tôi không khỏi đau đáu đó là bộc bạch của những ngư phủ không đành bỏ biển dẫu nhiều rủi ro, vì đã quá quen với cuộc sống ngoài khơi, lên bờ thì nhớ biển!

Những con tàu nằm lại đáy biển khơi ảnh 1

Một trong những bài báo trên báo Tiền Phong về nỗi đau làng biển.

Thoát chết trở về, thuyền trưởng Lương Văn Viên (tàu QNa 90129 TS) đau xót bởi các bạn thuyền đã không cùng về, thân xác còn nằm đâu đó dưới đáy biển lạnh. Vị thuyền trưởng dày dạn sương gió, không ít lần đối mặt hiểm nguy giữa đại dương và đã từng cứu sống nhiều ngư dân trên tàu khác bị chìm. Ông nói, ai cũng hiểu đi biển là rủi ro, nên những tổ đội đánh bắt trên biển hình thành, sẵn sàng hỗ trợ nhau khi tàu gặp nạn, vậy nhưng cũng có những tình huống không lường được – như trường hợp chính con tàu ông gặp lốc xoáy đánh chìm trong tích tắc không ai kịp trở tay!

Những con tàu nằm lại đáy biển khơi ảnh 2

Tàu câu mực của ngư dân huyện Núi Thành, Quảng Nam neo đậu tại cảng. Ảnh: Hoài Văn

Vùng vẫy trong biển đêm, 78 con người sống sót trở về, 13 ngư dân nằm lại biển khơi. Vị thuyền trưởng bần thần, đưa mắt về hướng biển. “Đau lắm, những bạn tàu đi cùng nhưng mình không thể cứu được!”, ông nói. Cuộc trò chuyện đứt quãng, tôi hỏi ông có đi biển nữa không? “Đi chứ, sống ở biển quen rồi, lên bờ thì nhớ biển. Mà đâu chỉ riêng mình, con tàu cả mấy chục anh em bạn tàu không đi thì biết lấy gì lo cho gia đình”, ông bộc bạch.

Người vợ trẻ của ngư dân Lương Ngọc Anh là chị Đặng Thị Bình kể về người chồng đang mất tích, rằng đã có lần khuyên chồng ở nhà cùng đi làm công nhân, vợ chồng đói no có nhau không còn phải mất ngủ, nơm nớp lo sợ những khi mưa gió. Nhưng chỉ được ít tháng anh lại xin chủ tàu ra khơi vì…nhớ biển quá. Với các ngư dân, đi biển là lựa chọn bởi đó là nguồn sống nuôi gia đình và cũng là cuộc sống mà họ gắn bó, nghề truyền thống cha ông truyền lại.

Những cơn sóng dữ ngoài khơi úp ngược con tàu, hắt toàn bộ ngư dân cùng hải sản đánh bắt được xuống biển sâu. Có người trở về tập tễnh, người trở về lạnh ngắt trong chiếc tủ đông và những người nằm lại giữa biển khơi cùng xác con tàu. Trở về từ cõi chết, những ngư phủ kiên cường rắn rỏi vẫn khẳng định tiếp tục vươn khơi bám biển, bởi đó không chỉ là cuộc mưu sinh mà còn vì niềm tự hào khi mang sứ mệnh của những cột mốc sống giữa biển Trường Sa – Hoàng Sa.

Trò chuyện với họ càng hiểu thêm những “con sóng dữ” có khi đến từ bờ, đó là những bận quay cuồng với giá xăng dầu còn giá hải sản thì bấp bênh phụ thuộc thương lái, những chuyến biển thua lỗ nối tiếp khiến bạn tàu bỏ cuộc lại phải vay mượn để giữ chân hoặc đi các nơi để tìm bạn đi cùng.

Lại nhớ đến những ngư dân “bó gối” ở cảng cá Tam Quang những ngày giá xăng dầu liên tục tăng, đi không đủ bù lỗ đành cho tàu nằm bờ, hay ánh mắt thất thần của chủ tàu 67 mắc cạn vì “nợ xấu”. Hơn ai hết, những ngư dân hiểu rõ biển giã nhưng họ vẫn lựa chọn vươn khơi, sát cánh cùng nhau vượt khó.

MỚI - NÓNG