Những bức ảnh lột tả sự tàn khốc của chiến tranh

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Phóng viên ảnh Corinne Dufka (Mỹ) đã dành hơn một thập kỷ ở những nơi thường xuyên xảy ra xung đột vũ trang như Bosnia, Liberia, El Salvador…, ghi lại những khoảnh khắc in sâu vào tâm trí con người sự tàn khốc của chiến tranh, khiến bà nhận thấy mình “trở nên vô nhân đạo”.

Khi phóng viên ảnh chiến trường Corinne Dufka sắp xếp các bức ảnh và phim âm bản cho cuốn sách mới của mình – Đây là chiến tranh: Những bức ảnh từ một thập kỷ xung đột - một lần nữa bà xem lại những khuôn mặt có lẽ bà chỉ mới biết cách đây không lâu.

“Tôi bước vào vùng ký ức này, cố gắng hiểu những gì tôi đã chứng kiến. Bản thân việc đó đã là một quá trình ấn tượng vì tôi đã khóc rất nhiều”, bà Dufka nói.

Những bức ảnh lột tả sự tàn khốc của chiến tranh ảnh 1

Hậu quả xung đột ở Rwanda. Ảnh: Corinne Dufka.

“Một số hình ảnh buồn nhất là về thời kỳ hy vọng. Một trong những hình ảnh buồn nhất là giữa cuộc chiến thứ nhất và thứ hai ở Liberia khi mọi người đang xếp hàng chờ bỏ phiếu, rất nghiêm túc với rất nhiều sự nhiệt tình và lạc quan. Họ không biết rằng trong vòng hai năm sau đất nước họ lại vướng vào một cuộc xung đột khủng khiếp khác”, bà kể.

Cũng như hầu hết tác phẩm của nhiếp ảnh gia Dufka, trọng tâm của cuốn sách mới là về những người chịu trách nhiệm về các vụ giết chóc hoặc buộc phải chung sống với hậu quả của giết chóc.

Trong một bức ảnh, bà đặc tả một chiến binh trẻ em đang chơi với một món đồ chơi bị bỏ rơi khi cậu ta canh gác một trạm kiểm soát ở giữa thủ đô Monrovia của Liberia đang bị bao vây vào năm 1996.

Trong một hoàn cảnh khác, bà chụp một phụ nữ nông thôn người El Salvador đứng bên cửa sổ cầm bức ảnh của chồng. Người chồng là một trong ba người đàn ông trong làng của cô bị lực lượng vũ trang bắt cóc, tra tấn và sát hại.

Những bức ảnh lột tả sự tàn khốc của chiến tranh ảnh 2

El Salvador. Ảnh: Corinne Dufka.

Ở Sarajevo bị bao vây, Dufka ghi lại nỗi đau chia tay mà không biết chắc khi nào gặp lại: Phụ nữ và trẻ em vẫy tay từ xe buýt sơ tán. Ở Mostar, một người lính người Croatia gốc Bosnia thờ ơ cầm súng bên mình khi hàng trăm người đàn ông Hồi giáo đang diễu hành dọc theo con đường núi đến trại tù trong một nhà máy bỏ hoang.

Ảnh bìa của cuốn sách là một đống dao rựa bị vứt ở biên giới Rwanda khi người Hutus chạy trốn khỏi đất nước sau cuộc diệt chủng 800.000 người Tutsi vào năm 1994. Một đứa trẻ đơn độc nhìn chằm chằm vào máy ảnh khi những người lớn lê bước qua mang theo những bọc hàng và chịu trách nhiệm về tội ác chống lại nhân loại.

Dufka mô tả cuốn sách của mình như một “cuộc hành trình cá nhân để đối mặt với hàng chục năm đầy biến động bao gồm một số cuộc xung đột đẫm máu và khủng khiếp nhất vào cuối thế kỷ trước”.

“Tôi thấy không chỉ hàng chục nghìn người đã chết trong những vụ bạo lực không thể tả xiết này mà còn khoảng chục người bạn nhà báo thiệt mạng”, bà nói.

Những bức ảnh lột tả sự tàn khốc của chiến tranh ảnh 3

Bosnia. Ảnh: Corinne Dufka.

Từ nhân viên xã hội tới phóng viên ảnh

Dufka đến với nhiếp ảnh chiến tranh một cách tình cờ. Bà từng là nhân viên xã hội về tâm thần ở San Francisco, Mỹ trong một thập kỷ trước khi đến El Salvador vào thời điểm cao điểm của cuộc nội chiến vào giữa những năm 1980.

Đầu tiên, bà là nhân viên xã hội của nhà thờ Lutheran và sau đó là nhà điều tra nhân quyền theo dõi hoạt động giết người của đội sát thủ cánh hữu ở El Salvador.

Herbert Anaya, Giám đốc Ủy ban Nhân quyền El Salvador, đã bảo Dufka thiết lập một chương trình tư liệu ảnh. Hai tuần sau, ông bị đội sát thủ sát hại. Dufka đã chụp bức ảnh thi thể của Anaya đăng trên tờ New York Times vào hôm sau. Không lâu sau bà đi làm cho Reuters.

Cuộc xung đột ở El Salvador bắt nguồn từ việc phản kháng lại sự áp bức lịch sử nhưng nó mang màu sắc ý thức hệ. Vào thời điểm Dufka đến Bosnia năm 1992, những sự đối địch cũ trong Chiến tranh Lạnh đã nhường chỗ cho xung đột sắc tộc và chủ nghĩa dân tộc dẫn đến nhiều cuộc chiến ở châu Âu và châu Phi trong thập kỷ đó. Sự man rợ của con người khiến Dufka kinh hoàng nhưng lại thu hút bà.

Năm 1997, Tổ chức Truyền thông Phụ nữ Quốc tế trao cho Dufka giải thưởng về lòng dũng cảm trong lĩnh vực báo chí. Lúc đó, bà đã nổi tiếng trong giới đồng nghiệp vì lòng dũng cảm đáng kinh ngạc giữa một số cuộc xung đột tàn khốc nhất.

Ở Rwanda, một thành viên của đội hành quyết Hutu đã chĩa súng vào đầu Dufka cho đến khi cô thuyết phục được anh ta bỏ súng xuống. Bà đã nắm bắt được những trận chiến đường phố căng thẳng ở Monrovia.

Dufka bị thương nặng khi một quả mìn chống tăng phát nổ dưới xe bọc thép của Reuters ở Bosnia năm 1993, biến chiếc máy ảnh của bà thành các mảnh vỡ găm vào mặt cô. Sức ép của vụ nổ đã làm rách dây chằng đầu gối của bà và khiến bà bị chảy máu trong.

Dufka và các đồng nghiệp bị thương của bà lao ra khỏi chiếc xe đang bốc cháy chỉ để hứng chịu làn đạn bắn tỉa của quân Croatia trước khi được lính Anh giải cứu. Ba tuần sau, bà đến Somalia, chống gậy đi lại. “Chiến tranh là đau đớn”, bà nói.

Dufka kể rằng chỉ có một lần có người bảo cô đừng chụp ảnh nữa. Một người đàn ông đã tấn công bà sau vụ đánh bom trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên ở Nam Phi vào năm 1994. Người này đá vào mặt bà.

“Đó là lần duy nhất. Rất thường xuyên thì ngược lại. Mọi người chào đón tôi vào nhà họ, vào bệnh viện, vào chiến trường, vào nghĩa địa nơi diễn ra lễ chôn cất”, bà nói.

Những bức ảnh lột tả sự tàn khốc của chiến tranh ảnh 4

Liberia. Ảnh: Corinne Dufka.

Dufka hài lòng vì tác phẩm của bà và của các nhiếp ảnh gia khác có thể có tác động chính trị thực sự ở các thủ đô nước ngoài và tác động đến các chính sách nhằm giảm bớt đau khổ nếu không muốn nói là chấm dứt xung đột.

“Tôi đã trở nên vô nhân đạo”

Dufka đang trên máy bay bay khỏi Nairobi vào năm 1998 khi al-Qaida cho nổ tung các đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania, giết chết 224 người, hầu hết là người châu Phi. Bà kinh hoàng khi nhận ra mình buồn vì bỏ lỡ cơ hội chụp ảnh vụ tàn sát hơn là lo lắng về các nạn nhân.

“Tôi chưa từng nghĩ đến người Kenya và tôi đã sống ở đất nước này được sáu năm. Tôi vô cùng xấu hổ về bản thân mình. Tôi đã trở nên vô nhân đạo. Tôi đã không nhận ra chính mình và đó là lý do tại sao tôi thoát ra ngoài”, bà tâm sự.

Nhưng Dufka không từ bỏ các cuộc xung đột; bà đã thay đổi cách giải quyết. Năm 1999, bà chuyển đến Sierra Leone để mở một văn phòng hiện trường cho Tổ chức Theo dõi Nhân quyền để ghi lại cuộc nội chiến ở nước này và những tội ác khủng khiếp chống lại thường dân, bao gồm cả việc chặt đứt tay chân.

Những bức ảnh lột tả sự tàn khốc của chiến tranh ảnh 5

Phóng viên ảnh Corinne Dufka. Ảnh: Athens World Photo.

Việc chuyển sang lấy lời khai và sau đó làm điều tra viên hình sự cho tòa án tội ác chiến tranh của Liên Hợp Quốc ở Sierra Leone có vẻ giống như một sự đóng góp hơn. Bà có một cô con gái, điều này một lần nữa thay đổi quan điểm của bà về chiến tranh và cuối cùng quay trở lại Mỹ.

“Trong những năm đó, tôi chưa bao giờ cho mình nghỉ ngơi. Tôi đi từ xung đột này sang xung đột khác. Có một số người bị căng thẳng sau chấn thương… Tôi chỉ gặp một sự cố căng thẳng hậu chấn thương tâm lý, ngay sau khi con gái tôi chào đời được khoảng một tháng... Bây giờ tôi đã đạt được sự cân bằng hơn trong cuộc sống của mình”, bà nói.

Khi sắp xếp các bức ảnh cho cuốn sách mới, Dufka ngạc nhiên khi thấy có nhiều vùng đất nơi bà từng làm việc vẫn có xung đột dưới một hình thức nào đó. Ethiopia lại có chiến tranh, Sudan cũng vậy.

“Sierra Leone, Bosnia, Liberia, họ vẫn đang vật lộn với di sản xung đột. Tham nhũng tràn lan và một số chỉ số kinh tế-xã hội ở mức tồi tệ nhất thế giới. Tôi muốn cuốn sách này gợi lên một số suy ngẫm về xung đột, tái phạm và nguy cơ tái phạm”, bà tâm sự.

Những bức ảnh lột tả sự tàn khốc của chiến tranh ảnh 6

Cuốn sách ảnh mới nhất của Corinne Dufka có tựa đề 'Đây là chiến tranh: Những bức ảnh từ một thập kỷ xung đột'. Ảnh: Amazon.

Vậy Dufka có nhìn thấy nét chung trong các cuộc xung đột ở những nơi xa xôi như Trung Mỹ, Châu Âu và Trung Phi không? “Không có gì mà người ta không làm với nhau, và không có gì họ không làm cho nhau. Tôi không phải là người đầu tiên nói điều đó nhưng nó rất rõ ràng. Tôi đã chứng kiến sự tàn ác và tàn ác ghê gớm, và sau đó, với tư cách là một nhà điều tra nhân quyền, tôi đã ghi lại những hành động đáng kinh ngạc nhất về sự hào phóng và lòng dũng cảm của con người để giúp đỡ lẫn nhau”, bà nói.

“Tôi cũng thấy rằng nỗi sợ hãi mạnh hơn tình yêu và sự đoàn kết gắn kết các cộng đồng lại với nhau. Bạn đã thấy điều đó ở Rwanda, ở Bosnia, nơi có các cộng đồng chống đối nhau. Tất nhiên là nó đã bị thao túng. Nhưng nỗi sợ hãi là một động lực rất lớn”, phóng viên ảnh Corinne Dufka nhận định.

MỚI - NÓNG