Từ trước đến nay, chiến tranh luôn là một trong những đề tài điện ảnh khiến người ta phải ám ảnh sau khi xem. Phim chiến tranh được kể dưới các góc nhìn đa chiều, khán giả có thể được đi theo chân những người lính xông pha lên chiến trường như trong Saving Private Ryan (Giải cứu binh nhì Ryan) và Hacksaw Ridge (Người hùng không súng), hay dõi theo cuộc sống của những đứa trẻ vô tội khi phải đối mặt với chiến tranh và mất mát như trong Come And See (Đến mà xem), Em Bé Hà Nội và Grave Of The Fireflies (Mộ đom đóm); bộ phim có thể được kể dưới góc nhìn của kẻ đi xâm lược như Apocalypse Now (Tận thế đêm nay); và của những người lính chống giặc ngoại xâm, đặc biệt là những bộ phim kinh điển của Việt Nam: Nổi Gió, Vĩ Tuyến 17 Ngày và đêm, Cánh đồng hoang, Bao giờ cho đến tháng Mười, Biệt động Sài Gòn, Hà Nội 12 ngày đêm, Đường thư, Đừng đốt, Mùi cỏ cháy,...
Phim chiến tranh thường được chia ra làm hai loại là phim ủng hộ chiến tranh (pro-war) và phim phản chiến (anti-war). Tuy nhiên sự khác biệt giữa hai thể loại này vẫn còn đang mơ hồ. Đạo diễn người Pháp Francois Truffaut đã cho rằng không có cái gì gọi là phim phản chiến cả vì theo ông, những phim lấy đề tài chiến tranh, dù có kể ở góc độ nào, đều ca ngợi sự chiến đấu và hình tượng người lính.
Ngược lại, đạo diễn Steven Spielberg lại tuyên bố: “Mọi bộ phim chiến tranh, dù hay hay dở, đều là một bộ phim phản chiến”, bởi ông tin những bộ phim đó được tạo ra nhằm mục đích khắc hoạ sự xấu xí và tàn ác của chiến tranh. Cả hai đều có cái lý của riêng mình.
Một cảnh trong phim Người hùng không súng |
Câu chuyện về giá trị sự sống của từng người lính trong chiến tranh được thể hiện đậm nét trong hai bộ phim Saving Private Ryan và Hacksaw Ridge. Saving Private Ryan (1998) của đạo diễn Steven Spielberg là một trong những tác phẩm điện ảnh có tầm ảnh hưởng vang dội nhất suốt nhiều thập kỷ qua.
Đến bây giờ, những giá trị tốt đẹp về cuộc sống bình yên và sự kinh hãi chiến tranh mà bộ phim đem lại vẫn còn gây ấn tượng mạnh đến đối tượng khán giả trẻ. Phim kể về hành trình giải cứu binh nhì James Ryan của đại úy Miller cùng với nhóm binh lính dưới quyền gồm bảy người. Lí do là: Ryan đã trở thành người con cuối cùng trong nhà khi tất cả những người anh của cậu đã bỏ mạng trên chiến trường. Thoạt đầu, cả tám người lính đều thấy nhiệm vụ giải cứu này thật vô lý khi họ phải mạo hiểm mạng sống của mình chỉ để cứu một tên binh nhì.
Thế nhưng Miller đã thay đổi quan điểm của mình khi ông gặp binh nhì Ryan, để nhận ra rằng mạng sống của một người lính trẻ không chỉ đơn thuần là sự so sánh giữa hai con số 1 và 8. Mạng sống của Ryan đại diện cho hòa bình, cho tuổi trẻ xốc nổi, cho một thế hệ mai sau khôn ngoan và văn minh hơn những cuộc chiến tranh phi nghĩa này và ta phải làm mọi thứ để bảo vệ điều đó.
Hacksaw Ridge (2016) lại có nội dung ngược lại, đó là một người giải cứu nhiều người. Phim dựa trên một câu chuyện có thật về người lính quân y Desmond Doss với lời thề sẽ không bao giờ chạm vào súng hay giết người do niềm tin tôn giáo của mình.
Mặc cho mọi lời lẽ bắt nạt từ đồng đội, lời đe dọa của cấp trên và sự hiểm nguy chết người trên chiến trường nơi các binh lính buộc phải giết hoặc bị giết, Desmond Doss vẫn có thể tay không có súng giải cứu được 75 đồng đội bị mắc kẹt lại chiến trường Hacksaw Ridge tại Okinawa, trong số đó thậm chí có cả một số binh lính đối phương.
Cứu một mạng sống trên chiến trường không chỉ đơn thuần là cứu mỗi người đó, mà còn là cứu những người cha mẹ, người vợ, những đứa con thơ đang mong ngóng họ trở về nhà, bất kể họ thuộc phe nào.
Một cảnh trong phim Giải cứu binh nhì Ryan |
Phim Mùi cỏ cháy (2012) của Việt Nam cũng đã truyền tải khá tốt giá trị này với phân cảnh nhân vật Thăng mang xác của một người lính Việt Nam Cộng hòa đi chôn cất tươm tất thay vì vứt vào hố bom, khi anh nhận ra rằng người lính tử trận này cũng chỉ là một cậu sinh viên trạc tuổi anh và cũng có một người mẹ hiền hậu đợi ở quê nhà.
Mùi cỏ cháy của đạo diễn Nguyễn Hữu Mười đã giành bốn giải thưởng Cánh diều vàng vì đã khắc họa xuất sắc sự bi tráng trong trận chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
Thời điểm này hơn 1 vạn sinh viên miền Bắc đã lên đường nhập ngũ tham gia vào cuộc kháng chiến vệ quốc. Và rất nhiều trong số đó đã anh dũng nằm lại tại chiến trường Thành cổ. Dù binh lính của bên nào thì khi ngã xuống, cũng đều là một nỗi tiếc thương... Khi họ là những sinh viên với tương lai rộng mở trước mắt, nhiều người còn chưa có nụ hôn đầu.
“Ngày chúng tôi lên đường, trong chiếc ba lô ngoài quân tư trang thì nhiều người còn đem theo một vài cuốn sách, sách tiếng Nga, giáo trình cơ khí, sổ tay làm nhật ký… Ai cũng hy vọng có ngày trở về để được tiếp tục đi học”, theo lời kể của ông Nguyễn Dũng, cựu sinh viên Đại học Bách khoa nhập ngũ năm 1971.
Một điều khá đáng tiếc với kho tàng điện ảnh lịch sử Việt Nam, là dù đã có nhiều tác phẩm xuất sắc phản ánh nhiều cột mốc quan trọng của dân tộc, nhưng các bộ phim về ngày Quốc khánh 2/9/1945, một trong những ngày quan trọng nhất của đất nước, cho đến nay vẫn còn quá hiếm hoi. Trong số tư liệu lịch sử quý giá nhưng ít ỏi đó, nổi bật nhất là phim tài liệu Ngày Độc lập 2/9/1945 và phim truyện Sao Tháng Tám.
Phim tài liệu Ngày Độc Lập 2/9/1945 (công chiếu năm 1975) của đạo diễn Phạm Kỳ Nam đã khắc sâu vào tâm trí của mỗi người dân Việt Nam với những thước phim quý giá về hình ảnh dòng người nô nức đổ về Quảng trường Ba Đình, cùng với hình ảnh Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đặc biệt, nhờ thước phim 6 phút bí ẩn ghi lại lễ tuyên bố Độc lập tại vườn hoa Ba Đình đúng vào buổi sáng ngày 2/9/1945 (đến nay vẫn chưa rõ danh tính người quay) mà các nhà làm phim Việt Nam đã may mắn tìm lại được sau nhiều năm lưu lạc nơi đất khách, thế hệ trẻ sau này mới được chứng kiến thời khắc hào hùng khi đất nước ta được khai sinh.
Phim chiến tranh hay phản chiến được tạo ra với nhiều mục đích như tuyên truyền, tri ân, giáo dục, tuy nhiên, giải trí không nằm trong số đó. Phim chiến tranh luôn khiến chúng ta cảm thấy bức bối, và điều này chính là lời nhắc nhở cho cư dân Trái Đất, rằng chiến tranh là điều kinh khủng nhất. Để rồi từ đó từng ngày ta học được cách trân trọng cuộc sống hòa bình, trong sự tưởng nhớ những người lính ngã xuống để xây dựng nền Độc lập, Hòa bình này với tư cách là những người hùng...
Tuy nhiên để có được ngày 2/9/1945 này, cả dân tộc ta đã trải qua hàng ngàn năm trường kỳ gian khổ, chiến đấu hy sinh để giành và gìn giữ nền Độc lập.
Những nỗi tang thương, thống khổ và lầm than của người dân Việt Nam lúc bấy giờ khi phải đối đầu với cả giặc đói và giặc dốt, thù trong lẫn giặc ngoài được khắc họa ấn tượng qua bộ phim Sao Tháng Tám của đạo diễn Trần Đắc và Đức Hoàn.
Nạn đói năm 1945 trong phim hiện lên thật kinh hoàng và chân thực mà khó có trang sử nào có thể diễn tả được. Dù đã từng xem nhiều phim chiến tranh với độ bạo lực được đẩy lên cao nhất, nhưng Sao Tháng Tám với tôi vẫn đem lại nỗi ám ảnh hơn hẳn, có lẽ bởi đây là hình ảnh chết chóc của chính đồng bào mình. Khó thể nguôi quên được phân cảnh tiếng van xin thảm thiết “Các bác ơi! Cứu bà cháu với” đầy bi thương của một bé gái trước ảnh người bà gục chết trên tay mình.
Để cho thấy cái giá của ngay chính đêm trước Độc lập là thế nào. Để thấy đồng bào mình đã ngoan cường xả thân đấu tranh từng giây, từng phút một vì một ngày Độc lập không xa...