Nhớ Rau Việt ở Cuba

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong ánh nắng chói chang buổi sáng mùa khô dài Cuba, bỗng tôi nhìn thấy một rặng cây quen trong vườn nhà bạn. Ồ, có phải cây ngót? Lại gần xem kỹ, rất giống. Nhưng biết đâu đấy, trên thế giới này ngàn triệu loại cây lá, có những loại rất giống mà không phải. Đến trưa, nhìn thấy đĩa rau ngót, mới rón rén hỏi, bạn cười: Rau ngót chính hiệu vườn nhà ông ạ! Ngậm ngùi như gặp bạn thân cũ xưa. Có đi xa mới biết có những nỗi nhớ lạ lùng: Nhớ rau.

Vườn nhà bạn nếu bỏ qua cái nắng “lạ” ở đảo quốc vùng Ca-ri-bê thì đúng như một mảnh vườn quê xứ Việt. Ngoài những bụi ngót mọc thành cụm dày, có luống lá lốt, bụi sả, khóm ớt… Bên trên rợp bóng giàn bầu giàn mướp.

Nhớ Rau Việt ở Cuba ảnh 1
Nhớ Rau Việt ở Cuba ảnh 2

Vườn rau Việt ở Cuba

Tôi đã lang thang chợ cóc La Habana, những khoảng chợ kẹp giữa những ngôi nhà chỉ có chừng mươi bàn bày rau quả. Cũng che bạt với mái tôn và những cái bàn chông chênh sờn cũ, trên bày bí đỏ bí xanh đậu đen đậu đỏ đậu xanh và khoai lang cùng một số quả cây. Gọi là chợ rau quả nhưng không có rau. Và không có thịt cá, nói gọn là không có bóng dáng chất đạm. Thi thoảng cũng có người bán những thứ này trên vỉa hè. Họ chở hàng từ ngoại ô vào, rồi bày ra gần một cửa hàng mậu dịch nào đó.

Ở một góc phố trong khu Vedado, có lần tôi được một người đàn ông mặt khắc khổ mời mua một bó đậu xanh ông cầm trong tay…

Nhưng các bữa ăn ở nhà bạn, người làm công tác lãnh sự Việt Nam ở nước bạn thì luôn có rau xanh. Cải xoong, rau ngót, có bữa có cả rau muống. Ô, cái đĩa rau muống luộc xanh ngắt chấm nước mắm lúc đó nó ngon đến kỳ lạ.

Nhớ Rau Việt ở Cuba ảnh 3
Nhớ Rau Việt ở Cuba ảnh 4

Trước chỉ biết Anh đi anh nhớ quê nhà/Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương... - hai câu đầu trong bài thơ vẻn vẹn có bốn câu vốn là của Á Nam Trần Tuấn Khải, một nhà nho, một nhà thơ đầu thế kỉ XX, sau này được lưu truyền trong dân gian như ca dao bởi cái ý vị nhớ nhung một “ai” tát nước bên đường hôm nao. Giờ mới hiểu sức sống dai dẳng của bài thơ ấy nó lại nằm ở hai câu đầu. Mà rất cụ thể, cụ thể đến như tầm thường, như nó chỉ có giá trị dẫn dụ đến cái nhớ nhung một ai. Hoàn toàn không phải vậy! Nỗi nhớ rất cụ thể ấy hóa ra nó ẩn giấu một câu chuyện về căn tính văn hóa. Một cây rau, một món ăn thôi nhưng nó là thứ được hun đúc từ đất và nước của xứ ta, nó chính là đất nước, là ẩm thực chỉ người dân đồng bào ta mới làm ra được để mà ta thấm, ta nhớ.

Nhưng vườn nhà bạn tôi không có rau muống, cái giống rau mọc trên mặt nước. Thế thì rau muống ở đâu ra?

Bên mâm cơm có đĩa rau muống xanh và bát nước rau muống vắt chanh hôm ấy, bà chủ nhà – một người phụ nữ Hà Nội rất khéo nấu nướng và nói chung là nữ công gia chánh giải thích cho tôi hay. Thì ra là có một cộng đồng chung các gia đình Việt bên đó thường xuyên giao lưu trao đổi về việc bếp núc, chợ búa. Món rau muống tôi được ăn hôm đó lấy từ một nhà khác. “Nhà họ vườn rộng và râm mát nên tạo được cả một khoảnh “đầm” trồng rau muống anh ạ. Ở đây rau muống là đặc sản!”.

Nhớ Rau Việt ở Cuba ảnh 5

Một sạp hàng bán rau ở lề đường La Habana

Trong những ngày giáp Tết hay bắt người ta phải bâng khuâng này, lại nhớ đến bữa ăn ở đại sứ quán Việt giữa thủ đô La Habana.

Tối hôm ấy, nhận lời mời của đại sứ Việt Nam ở Cuba, vợ chồng bạn dẫn khách từ quê nhà sang là thằng tôi vào tòa đại sứ tọa lạc trong khu ngoại giao ven đại lộ số 5.

Đại sứ Lê Thanh Tùng đã chờ sẵn bên bàn ăn. Cạnh đó tíu tít mấy cặp vợ chồng của các anh em làm việc trong sứ quán. Bàn ăn mấy món giản dị như bữa ăn thường ở nhà nhưng không khí ấm áp trong căn phòng nhỏ với ánh đèn vàng ấm gợi nhớ đến không khí Tết nhất vui vầy tụ họp. Đại sứ Tùng là người hay chuyện, quý khách. Ông mời tôi ngồi cạnh chỗ đầu bàn, nơi đặt trang trọng mấy… đĩa rau.

Câu chuyện lúc ồn ã hân hoan khi anh em đi sứ vui vẻ kể những câu chuyện nơi xứ người, không chỉ ở Cuba mà ở nhiều nước Mỹ Latinh nữa – trong những đợt công tác; khi trầm lắng khi đại sứ ngậm ngùi về sự cố trong ngành sau những “chuyến bay giải cứu”… Ở đây cũng phải nói thêm, cho dù đã có những cán bộ ngoại giao trót nhúng chàm, gây tiếng xấu cho ngành; nhưng đa số những cơ quan ngoại giao trong đó có đại sứ quán Việt Nam tại Cuba đều thực hiện phận sự nghiêm túc, giúp đỡ chu đáo công dân Việt trong đại dịch. Ở đâu chưa biết, mỗi nơi có một hoàn cảnh khác nhau, nhiều khi rất xa – nhưng ở Cuba, cán bộ ngoại giao rất thiếu thốn, đặc biệt trong đại dịch, và đặc biệt là… thiếu rau.

Bữa hôm ấy có đĩa rau tiến vua, đĩa rau cải. Lại có đĩa thịt bò xào hành hẳn hoi (ở Cuba thịt bò là món thượng đẳng, rất quý hiếm. Nhưng với tôi, hành trong món ấy mới thực là quý). Nhưng món đặc biệt nhất là tiết canh ngan. Anh chàng Kiên đầu bếp của sứ quán kể đã phải đi chợ xa từ sáng sớm mới mua được con ngan sống. Hiếm có là vậy nên ngan già cũng phải mua vội.

Kể chuyện bữa ăn có những món gì, thực là không được nhã. Nhưng đành thế mới rõ được cái sự quý rau ở xứ sở cách ta nửa vòng trái đất.

Lại nói về món tiết canh. Không khác gì ở Hà Nội. Nghĩa là đầy đủ húng, ngò (ngổ), hành chẻ. Tất nhiên không thể thiếu chanh ớt tươi và lạc rang. Nhắm với rượu rum Cuba.

Bữa rôm rả ấy, tôi gặp nhiều anh em công tác ngoại giao ở Cuba, nhưng ấn tượng với anh Hùng lái xe. Hùng người Hà Nội, nhà ở Khu tập thể Kim Liên gần trường tôi học thời phổ thông. Nhờ anh và người bạn thân mà tôi được biết thêm nhiều chuyện về đời sống của những người bỏ ra hàng chục năm bôn ba đi sứ. Toàn chuyện chợ búa, hàng quán, ăn ở thôi nhưng mà thú vị. Như chuyện về con chó cưng anh Hùng phải để lại một nước khác trước khi đến công tác ở Cuba. Bạn tôi cũng đã phải chia tay một con chó ốm mà vợ chồng anh dày công chạy chữa. Giờ nhắc lại vẫn ứa nước mắt.

Bạn tôi và những người khác, khi hết nhiệm kỳ công tác, ngôi nhà và vườn rau cũng để lại cho người đến sau…

Trở lại chuyện “lặt vặt” là cái chuyện về bữa rau Việt bên Cuba.

Cái đĩa rau tiến vua, tên đã ghê dù tôi thấy nó chưa chắc đã ngon hơn rau cải, rau muống. Nhưng rõ ràng là nó quý. Bởi không những nó là giống rau của Việt Nam, mà nó chỉ mọc được ở đất Việt và được gửi từ quê nhà sang chứ không có trồng được ở Cuba!

Nhấn mạnh đến mức hơi lẩn thẩn như thế bởi “Một số doanh nghiệp, hay gia đình trong cộng đồng người Việt cũng tự trồng rau Việt Nam để ăn, tự cung tự cấp cũng kha khá”. Bạn tôi giải thích.

Gia đình trồng thì hiểu rồi, nhưng doanh nghiệp?

“Một số người Cuba có đất, kỹ thuật... Nhận hạt, giống rau củ quả Việt Nam trồng và bán lại cho người Việt và người châu Á bên này. Sản lượng không cao nhưng thế là quý lắm”.

Vậy là trồng được những loại rau gì nhỉ?

“Ngoài ngót, muống, cải còn có bầu, bí, mướp hương, mướp đắng…”

Thế còn rau thơm? Món tiết canh mà không có rau thơm thì chịu?

“Gia vị thì nhiều loại đấy. Húng, hành lá, ớt, tía tô, hẹ, lá lốt, sả...”.

“Nhưng không bán hay thương mại được vì dân Cuba họ không biết ăn, nên chỉ tự cung tự cấp thôi”

Còn giá thì sao? Thông cảm làm báo cần tò mò…

“Giá thì hữu nghị thôi vì mình đưa hạt giống cho họ… Chúng tôi chủ yếu là tự nguyện, thông cảm bạn còn khó khăn”.

Tôi nhớ những bữa ăn hàng quán ở La Habana cũng tuyệt nhiên không có món rau. Chợ cũng không. Người Cuba khi ăn cơm luôn kèm với đậu. Đậu nấu lẫn với gạo thành cơm. Đậu nấu thành một thứ canh sền sệt để ăn cùng cơm trắng. Người Việt ta nói về đời nghèo “bát canh quả cà” thì người Cuba nói “kiếm vài hạt đậu” tức là “kiếm cơm”.

Vì cần ăn rau nên có một bí mật: Ai đi công tác dài ngày ở Cuba cũng mang theo nhiều hạt giống. “Sang đây làm ngoại giao hay làm gì thì đều làm thêm nông nghiệp cả!”. Bạn tôi bảo thế.

***

Trước khi về Việt Nam, tôi ghé qua Bảo tàng gia vị (trên mạng mách thế, nhưng thực ra nó là một cửa hàng bán gia vị bản địa có tuổi đời rất cao tọa lạc trên Phố Cổ La Habana); mua một ít ớt khô, bột vỏ chanh, một số thứ rất đặc trưng trong ẩm thực Mỹ Latinh. Có những thứ không biết ăn, nhưng với tôi nó như một món quà tinh thần dành cho chính mình để tôi mang theo về một phần hồn cốt của xứ sở ấy.

Cũng như những người con đất Việt đi xa Tổ quốc mang theo mình những hạt giống rau.

MỚI - NÓNG