Tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp giới lãnh đạo quân sự để thảo luận về vấn đề hạt nhân Iran tại thủ đô Washington. Nguồn: AFP/TTXVN.
Nhiều nghị sỹ đảng Dân chủ, những người ban đầu phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran, đang đề nghị Tổng thống Trump không rút khỏi thỏa thuận có tên Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA), đồng thời nhấn mạnh thực thi thỏa thuận này là con đường tốt nhất.
Ngày 11/10, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Ed Royce cho rằng thỏa thuận hạt nhân Tehran cần được thực thi nghiêm túc, và Mỹ cần hợp tác với các đồng minh về vấn đề này. Mặc dù ông Royce thừa nhận thỏa thuận còn nhiều khiếm khuyết, song Hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa này kêu gọi Washington không nên đặt dấu chấm hết đối với thỏa thuận.
Trong khi đó, ông Darrell West, chuyên gia thuộc Viện Brookings cho rằng việc Tổng thống Mỹ từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ tạo điều kiện cho Iran “có thể tiếp tục chương trình hạt nhân của mình và từ chối để các thanh sát viên tiếp cận cơ sở của họ”.
Theo ông West, điều này sẽ là “thảm họa” cho Trung Đông bởi nó sẽ làm gia tăng bất ổn cho khu vực và gây quan ngại cho các nước trong khu vực. Chuyên gia này cho biết mặc dù thỏa thuận không hoàn hảo, song vẫn có những điểm tích cực như giúp kiềm chế Iran, và việc ông Trump rút khỏi thỏa thuận là “một động thái rất thiển cận” từ phía Mỹ. Ông West cũng nhấn mạnh rời bỏ thỏa thuận sẽ làm gia tăng căng thẳng cho Mỹ vì Tổng thống Trump sẽ phải đối mặt với khủng hoảng không chỉ từ Triều Tiên mà còn từ Iran.
Sau nhiều tháng không thể vận động Tổng thống Trump giữ nguyên thỏa thuận hạt nhân Iran, các nước châu Âu đang nỗ lực bảo vệ thỏa thuận này thông qua các kênh ngoại giao. Các nhà ngoại giao châu Âu tập trung vận động các nghị sỹ đảng Cộng hòa vốn đang chiếm đa số trong Quốc hội thuyết phục nhà lãnh đạo Mỹ thay đổi quan điểm.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Rainer Breul cho biết Đại sứ quán nước này đang làm việc với Quốc hội Mỹ, đồng thời nhấn mạnh phía Berlin đang tìm kiếm biện pháp đối thoại nhằm giải thích quan điểm của mình cũng như lý giải nguyên nhân tại sao Đức coi thỏa thuận hạt nhân trên là một thành công.
Ngay trước thời điểm công bố quan điểm của mình, Tổng thống Trump tiếp tục chỉ trích JCPOA. Phát biểu trên kênh truyền hình Fox News, ông Trump vẫn cho rằng đây là một “thỏa thuận tồi tệ nhất”. Ông từng nhiều lần khẳng định JCPOA - vốn được coi là đột phá ngoại giao của chính quyền tiền nhiệm là “thỏa thuận tồi tệ nhất từ trước tới nay”.
Do đó, nếu nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố Tehran không thực thi đúng các cam kết trong thỏa thuận và thỏa thuận không phù hợp với các lợi ích của Mỹ, Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày xem xét đưa ra quyết định liệu có áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt cụ thể với Tehran vốn đã được dỡ bỏ khi ký thỏa thuận hay không.