Phát biểu trong cuộc họp với các lãnh đạo quân sự tại Nhà Trắng hôm qua, 5/10, Tổng thống Trump nhấn mạnh: “Chúng ta không được để Iran có được vũ khí hạt nhân. Iran ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và lan truyền bạo lực, gây nên đổ máu và tình hình hỗn loạn khắp Trung Đông. Đó là lý do vì sao chúng ta phải chấm dứt tham vọng hạt nhân của Iran. Họ đã không tuân thủ tinh thần của thỏa thuận hạt nhân.”
Khi được hỏi về quyết định cuối cùng liên quan đến thỏa thuận với Iran, ông Trump nói đầy ẩn í: “Bạn sẽ được nghe tôi nói về điều đó sớm thôi.”
Theo Washington Post, Tổng thống Trump dự kiến sẽ đưa ra một bài phát biểu vào ngày 12/10 tới nhằm thông báo về một chiến lược lớn hơn của chính quyền Mỹ nhằm đối đầu với Iran. Tuy nhiên, các quan chức cảnh báo kế hoạch có thể sẽ thay đổi. Nhà Trắng hiện chưa xác nhận kế hoạch và nội dung bài phát biểu.
Vào ngày 15/10, ông Trump sẽ báo cáo trước Quốc hội về việc Iran có tuân thủ thỏa thuận hạt nhân hay không, và liệu thỏa thuận hạt nhân có đáp ứng lợi ích của nước Mỹ hay không.
Nếu ông Trump khẳng định Iran không tuân thủ thỏa thuận. Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày để quyết định có hay không áp dụng lại các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran, vốn bị đình chỉ theo thỏa thuận này.
Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và nhóm P5+1, nếu xảy ra, có thể sẽ gây ra cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực và làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng ở Trung Đông.
Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Đức, hay còn gọi là “Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung” (JCPOA) được ký hồi tháng 7/2015, dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Theo thỏa thuận, Tehran hạn chế các hoạt động làm giàu uranium để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của quốc tế.
Sau khi lên nắm quyền vào tháng Một, chính quyền Tổng thống Trump đã không ngừng tìm kiếm lí do để rút khỏi hoặc hủy bỏ thỏa thuận này.
Trong khi đó, các nước châu Âu khác tham gia thỏa thuận như Anh, Pháp, Đức một mặt lên tiếng kêu gọi ông Trump duy trì thỏa thuận, mặt khác vận động Quốc hội Mỹ không thông qua việc tái áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào Iran, gây ảnh hưởng đến sự "sống còn" của thỏa thuận.