Tại hội nghị tổng kết công tác đầu tư xây dựng cơ bản, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của UBND TP Cần Thơ chiều 16/3, ông Đoàn Thanh Tâm - Phó Giám đốc Ban QLDA ODA TP Cần Thơ - cho biết, hiện nay Ban đang quản lý 23 gói thầu xây lắp, trong đó 19 gói thầu đã trao thầu và 4 gói thầu chưa trao thầu.
Kết quả có ba gói thầu đã hoàn thành, thực hiện công tác nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng. Nhóm thứ hai dự kiến hoàn thành vào ngày 30/6/2023 gồm các công trình: kè sông Cần Thơ, cống Hàng Bàng, 4 cống trên kè sông Cần Thơ, cống Đầu Sấu, kè rạch Cái Sơn, kè rạch Mương Khai.
Nhóm thứ ba là các gói thầu hoàn thành trước ngày 2/9/2023 (lập kế hoạch hoàn thành 30/8/2023) gồm: Đường Hoàng Quốc Việt (gói 2.5) đường nối đường Cách Mạng Tháng Tám với đường tỉnh 918 (gói 2.6), cầu Trần Hoàng Na (gói 2.4).
Dự án đường nối đường Cách Mạng Tháng Tám với đường tỉnh 918. |
Khó khăn lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), quản lý hợp đồng và xử lý các vấn đề phát sinh. Để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân trong năm 2023, Ban đã đề ra các giải pháp như theo dõi và phối hợp với các đơn vị GPMB, UBND quận, huyện để thực hiện nhanh GPMB đối với những hộ còn lại chưa bàn giao. Kiểm tra, lập kế hoạch xử lý các nhà thầu chậm tiến độ; kịp thời giải quyết các khó khăn, các vướng mắc phát sinh của nhà thầu…
Theo UBND TP Cần Thơ, kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, bên cạnh các nguyên nhân khách quan, còn có một số nguyên nhân chủ quan như: Việc tổ chức thực hiện các thủ tục đầu tư triển khai chậm; tiến độ thực hiện các khu tái định cư còn chậm, đặc biệt là các dự án khu tái định cư do Trung tâm Phát triển quỹ đất làm chủ đầu tư, từ đó ảnh hưởng đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bàn giao mặt bằng một số dự án khác; một số nhà thầu không tích cực thi công, còn viện lý do vướng mặt bằng tại một số vị trí để thi công cầm chừng...
Ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ - cho rằng, việc các dự án kéo dài đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố. Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhiều dự án còn nhiều bất cập, nhiều dự án đã hết hoặc đã gia hạn nhưng vẫn còn bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa xong; nhiều dự án mới bắt đầu thực hiện đã phải điều chỉnh...
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu người đứng đầu các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư, chủ dự án, quản lý dự án phải chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND thành phố về việc tổ chức thực hiện và kết quả giải ngân dự án/công trình của đơn vị, địa phương mình.
Đối với các dự án mới phải làm tốt công tác chuẩn bị, tập trung hoàn thành hồ sơ nhanh nhất đối với các dự án đã được bố trí vốn. Các sở, ngành, quận huyện được giao làm chủ đầu tư các dự án cần lựa chọn các đơn vị tư vấn có chất lượng, tiến hành đồng thời các thao tác có thể làm được để đẩy nhanh tiến độ của dự án.
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè phát biểu tại hội nghị. |
Theo kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của TP Cần Thơ, tổng số các nguồn vốn được Thủ tướng Chính phủ, HĐND thành phố giao là hơn 7.875 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách địa phương gần 5.145 tỷ đồng; vốn ngân sách trung ương hơn 2.730 tỷ đồng.
Ở cấp thành phố có 28 sở, ngành được giao làm chủ đầu tư với 91 dự án. Trong đó, có 8 chủ đầu tư chưa giải ngân được vốn, 8 chủ đầu tư giải ngân dưới 10%... Ở quận/huyện, huyện Phong Điền và quận Cái Răng là hai đơn vị giải ngân đạt thấp nhất, lần lượt là 9% và 13%...
UBND TP Cần Thơ yêu cầu các sở ngành, quận huyện thực hiện nghiêm Chỉ thị của Chủ tịch UBND thành phố, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh xử lý các hành vi thiếu trách nhiệm, chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ. Kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân làm chậm trễ trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện ngay luân chuyển cán bộ, công chức khi cần thiết...