Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, hội nghị này có ý nghĩa hết sức quan trọng vì vấn đề với miền Đông Nam Bộ và vùng ĐBSCL là làm sao giải phóng được nguồn lực đất đai, đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế, xã hội.
Quá trình quản lý đất đai ở khu vực miền Đông Nam Bộ và khu vực ĐBSCL có nhiều điểm khác biệt so với các vùng miền khác trên cả nước. Vì vậy làm sao đưa ra được dự án Luật đảm bảo yếu tố lịch sử, điều kiện tự nhiên, văn hoá cho các vùng, miền.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). |
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn, Hội nghị sẽ có nhiều nội dung đóng góp một số vấn đề lớn của khu vực miền Đông Nam Bộ và khu vực ĐBSCL liên quan đến quản lý đất đai; những quy định về các chương, các điều đặc biệt là gắn với điều kiện tự nhiên, lịch sử phát triển của miền Đông Nam Bộ và khu vực ĐBSCL.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đề nghị trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nên đặt quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch nền để các quy hoạch khác thực hiện theo, tránh sự chồng chéo bất cập, khó thực hiện. Đồng thời, đề xuất bỏ Khoản 3 và Khoản 4 tại Điều 65 Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện để tránh sự chồng chéo.
Về kế hoạch sử dụng đất, TP. Cần Thơ đề nghị sửa lại thời gian thực hiện kế hoạch sử dụng đất cấp huyện là 30 tháng (2,5 năm) trong Dự thảo Luật cho phù hợp với thực tiễn. Bởi vì kế hoạch sử dụng đất cấp huyện có thời hạn là 1 năm là rất khó thực hiện, gây nhiều phiền phức, tốn kém thời gian, kinh phí của người dân, của các tổ chức và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ phát biểu. |
Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đề xuất xây dựng một điều riêng trong luật về lấn biển.
Theo đó, tại khoản 3, Điều 183 dự thảo Luật Đất đai có quy định việc sử dụng đất có mặt nước ven biển để thực hiện dự án lấn biển. Tuy nhiên, trong thực tế, nhất là ở khu vực ĐBSCL, việc lấn biển có ảnh hưởng đến phạm vi của 3 khu vực: đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển, khu vực biển.
Do đó, cần nghiên cứu luật hóa (xây dựng 1 điều riêng về lấn biển) thực hiện dự án lấn biển theo hướng không phân biệt sử dụng các loại đất theo ranh giới hiện trạng (đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển, khu vực biển) mà thực hiện thủ tục đất đai theo loại đất đã hình thành sau khi lấn biển theo quy hoạch sử dụng đất. Đồng thời quy định rõ phương pháp định giá đất đối với dự án lấn biển là phương pháp thặng dư (có xem xét đến chi phí san lắp lấn biển, bờ kè… của nhà đầu tư).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, theo Luật Đất đai hiện hành quy định đối với khu kinh tế, UBND tỉnh giao đất cho Ban quản lý khu kinh tế để thực hiện việc giao lại đất/cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trong khu kinh tế. Dự thảo Luật sửa đổi bỏ thẩm quyền giao lại đất/cho thuê đất của Ban Quản lý khu kinh tế mà tất cả đều do UBND các cấp quyết định; đồng thời có quy định xử lý chuyển tiếp đối với đất khu kinh tế tại Khoản 14 Điều 234 của dự thảo Luật.
Theo ông Nhàn, nội dung dự thảo trên là phù hợp, tuy nhiên đối với một số đặc thù của địa phương như Khu kinh tế Phú Quốc hiện nay đã có Ban Quản lý khu kinh tế đang hoạt động hiệu quả tại chỗ, nếu bỏ thẩm quyền nêu trên sẽ gây rất nhiều khó khăn trong giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp do khoảng cách địa lý đến trung tâm hành chính tỉnh xa, khó di chuyển. Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị giữ lại đất khu kinh tế cho một số trường hợp đặc thù như: Khu kinh tế Phú Quốc, Khu kinh tế cửa khẩu...
Ông Nguyễn Quỳnh Thiện – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh |
Ông Nguyễn Quỳnh Thiện – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có đông đồng bào dân tộc theo đạo Phật giáo Nam tông Khmer.
Ngoài việc tu hành những người này còn tham gia sản xuất. Theo Luật Đất đai năm 2003, Nghị định số 84/2007 của Chính phủ, cho phép Tôn giáo được chuyển nhượng quyền sử dụng đất; tuy nhiên theo Luật Đất đai năm 2013 thì tôn giáo không còn quyền này, từ đó dẫn đến nhiều bức xúc trong tôn giáo khi có nhu cầu chuyển quyền sử dụng đất để có kinh phí sửa chữa hoặc xây mới các công trình tôn giáo.
Do đó, UBND tỉnh Trà Vinh đề nghị Bộ TN&MT xem xét bổ sung vào Chương III quy định Tôn giáo đang sử dụng đất nông nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Nhật Huy. |
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, những ý kiến góp ý của nhân dân rất quan trọng, là cơ sở thực tiễn, cơ sở khoa học để xem xét bổ sung hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Phó Thủ tướng ghi nhận những nỗ lực của các địa phương trong việc thực hiện đúng mục tiêu yêu cầu của đợt lấy ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này.