Lấy ý kiến về dự án Luật Đất đai 'như một chiến dịch không kể ngày đêm'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, thời gian từ nay đến khi kết thúc đợt lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai sửa đổi không còn nhiều, đòi hỏi phải nỗ lực, khẩn trương hơn nữa với tinh thần tiến hành “như một chiến dịch không kể ngày đêm”. 

Chiều 9/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc cho ý kiến bước đầu về tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội và những vấn đề nổi lên trong quá trình lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai thực sự là đợt sinh hoạt chính trị, xã hội sâu rộng, thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Qua tổng hợp, các ý kiến góp ý tập trung vào các nhóm nội dung về thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất; thương mại hóa quyền thuê đất hàng năm và lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất; chế độ, quản lý sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực…

Lấy ý kiến về dự án Luật Đất đai 'như một chiến dịch không kể ngày đêm' ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc (ảnh: QH).

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, sau thời hạn ngày 15/3 là ngày cuối cùng thực hiện lấy ý kiến Nhân dân. Ông đề nghị cần có báo cáo rõ thêm về những khó khăn trong việc thể chế Nghị quyết hoặc những vấn đề đã được thể chế mà còn ý kiến khác nhau.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý dữ liệu nội dung từ việc lấy ý kiến Nhân dân là rất lớn. Do đó nếu không có cách làm khoa học sẽ khó có thể tổng hợp, tiếp thu hiệu quả.

Do đó các cơ quan cần có mục riêng về nội dung này để làm rõ các khái niệm, thống nhất cách hiểu, cách làm. Bên cạnh đó là các quy định liên quan đến vai trò của Nhà nước, minh định giữa vai trò là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và là một chủ thể sử dụng đất; hay vấn đề tài chính đất đai, bảng giá đất, vấn đề giá đất sát với giá thị trường, có hay không luật hóa quy định về bản đồ giá đất…

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan cần có sự phân định các nhóm vấn đề để có phương án tiếp thu, giải trình; lưu ý rà soát đối với những nội dung, những vấn đề đã có kết luận của Trung ương thì không bàn lại, tránh làm phức tạp thêm vấn đề. Quá trình tiếp thu sửa đổi Luật phải lắng nghe, bám sát thực tiễn cuộc sống.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định, việc lấy ý kiến vừa qua được triển khai nghiêm túc, bám sát tiến độ, tổ chức lấy ý kiến sâu theo các nhóm đối tượng chuyên gia, doanh nghiệp, đại diện vùng miền… cùng với đó là kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện. Ông tin tưởng với cách thức thực hiện như hiện nay, với sự đồng hành từ sớm từ xa của Quốc hội, sự đồng thuận của toàn hệ thống thì vấn đề khó mấy cũng quyết hoàn thành.

Theo Phó Thủ tướng, việc lấy ý kiến Nhân dân cần được tiếp tục cho đến tận khi Quốc hội thông qua luật; việc nghiên cứu tiếp thu được tiến hành liên tục với tinh thần nghiêm túc nhất, khoa học nhất.

Lấy ý kiến về dự án Luật Đất đai 'như một chiến dịch không kể ngày đêm' ảnh 2

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, thời gian từ nay đến khi kết thúc đợt lấy ý kiến Nhân dân và các cơ quan hoàn thiện báo cáo tổng hợp không còn nhiều, đòi hỏi phải nỗ lực khẩn trương hơn nữa với tinh thần tiến hành như một chiến dịch không kể ngày đêm, cố gắng phối hợp các cơ quan không phân biệt vai; đồng thời lưu ý tiến độ quan trọng nhưng chất lượng còn quan trọng hơn.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiến hành tổng hợp đến đâu nghiên cứu có phương án tiếp thu, giải trình đến đó; cùng nhau bàn cách làm, tổng hợp ý kiến với tinh thần trách nhiệm cao, trung thực, khách quan, vô tư, tôn trọng mọi ý kiến, gạn đục khơi trong, không để có một ý kiến nào không được tổng hợp, không có ý kiến nào không được giải trình.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ bố trí một ngày làm việc riêng để cho ý kiến về nội dung quan trọng này.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.