Chưa cho mở, chợ vẫn bán
Sở Công Thương TPHCM cho biết, trong danh sách 22 chợ truyền thống chưa hoạt động trở lại sau giãn cách có 6 chợ tại quận 4 và 4 chợ tại quận 7. Trưa 20/1, phóng viên Tiền Phong khảo sát một số chợ ở quận 4 trong danh sách chưa hoạt động trở lại, chỉ có chợ Long Kiểng (phường 4) vẫn còn chăng dây, cửa đóng then cài. Các tiểu thương treo biển có số điện thoại hoặc địa điểm buôn bán mới để khách hàng đến mua. Còn lại 5 chợ gồm Hàng Phân (phường 6), Hàng Dệt (phường 3), Cầu Cống (phường 13), Chợ 200 (phường 14), Chợ Kho 11 (phường 18) đều mở lại buôn bán bình thường dù chưa được phép hoạt động.
Chợ Cư xá Ngân hàng (quận 7) chưa hoạt động lại nhưng tiểu thương đã bày hàng bán nhiều ngày qua |
Quận 4 hiện chỉ có một chợ truyền thống duy nhất là chợ Xóm Chiếu (phường 12), các chợ còn lại đều là chợ tạm, chợ họp trên vỉa hè, lề đường. Bà Võ Kim Anh Phương, Chủ tịch UBND phường 14 (quận 4), cho biết: “Hiện chợ 200 vẫn chưa hoạt động do quận chưa cho chợ tạm mở lại”. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, quanh khu vực chợ này, các quầy hàng rau củ, thịt cá bày la liệt suốt con đường Xóm Chiếu. Giờ cao điểm, nơi này luôn ùn tắc xe do người đi chợ, đi làm, buôn bán…
Khu vực chợ 200 (quận 4), người dân bày hàng bán hai bên đường |
Tại quận 7, chợ Tân Kiểng 1 (phường Tân Kiểng) và chợ Cư xá Ngân hàng (phường Tân Thuận Tây) vẫn đóng cửa. Các tiểu thương bày bán tràn lan ở vỉa hè hoặc mở cửa hàng trên các con đường quanh chợ gây ra cảnh nhốn nháo, ùn ứ xe cộ trên các tuyến đường vào giờ cao điểm. Chợ tạm Bùi Văn Ba (phường Tân Thuận Đông, quận 7), cũng trong tình trạng tương tự. Từ ngày hết giãn cách, người bán bày hàng la liệt hai bên đường Bùi Văn Ba. “Chợ này là chợ tự phát, công nhân khu chế xuất Tân Thuận khi tan ca đều vào đây mua sắm rất nhộn nhịp. Tôi có nghe nói chợ này sẽ được di dời, người bán được vận động vào chợ truyền thống, điểm bán hàng cố định nhưng vẫn chưa thấy ai đi. Tôi cũng bám vào chợ kiếm sống qua ngày, được bữa nào hay bữa đó”, anh Thìn (người kinh doanh trái cây di động) nói.
Vì sao chưa mở 100% các chợ?
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong số các chợ chưa hoạt động lại sau giãn cách, một số chợ đã không còn hoạt động từ trước giãn cách; một số chợ trong quá trình sửa chữa, nâng cấp; số khác do tiểu thương vẫn còn ngại dịch, chưa muốn trở lại kinh doanh mà thay bằng hình thức bán hàng trực tuyến… Ngoài ra, các chợ tạm, chợ tự phát trong danh sách này có thể sẽ ngưng hoạt động, người bán hàng được vận động vào các chợ truyền thống để kinh doanh nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm cũng như thực hiện các giải pháp phòng dịch.
Một đại diện UBND quận 10 cho biết, chợ Phường 10 (quận 10) sẽ không mở lại do từ năm 2017, quận 10 đã có chủ trương giải tỏa chợ gắn với nâng cấp hẻm 384 Lê Hồng Phong. “Chợ Phường 10 hình thành trong lòng hẻm và không có ban quản lý chợ nên sẽ giải tỏa, chợ không hoạt động nữa”, vị đại diện nói. Tương tự, chợ Bình Trị Đông B (quận Bình Tân) cũng sẽ không hoạt động trở lại.
Trả lời Tiền Phong, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết, hiện nay TPHCM có 233 chợ truyền thống, 3 chợ đầu mối; đợt dịch, để phòng chống dịch, hạn chế sự lây lan, các địa phương đã chủ động tạm dừng hoạt động các chợ. Có thời điểm số chợ dừng hoạt động rất cao. Khi thành phố mở cửa trở lại, các chợ dần dần tái hoạt động. Đến nay còn khoảng 20 chợ truyền thống chưa hoạt động trở lại. Lý do, đa số chợ truyền thống khá cũ, chủ yếu được xây dựng trước năm 1995, một số chợ xuống cấp, một số chợ phải di dời giải tỏa theo quy hoạch chung, một số chợ giáp với các tỉnh bạn như Bình Dương. Khi kiểm tra lại, tiểu thương ở các chợ này đa số ở các tỉnh bạn, do đó họ chưa quay trở lại nên chợ ngừng hoạt động.
Trong tháng này sẽ có 2 chợ ở quận 7 là chợ Tân Kiểng và chợ Cư xá Ngân hàng sẽ mở lại; 2 chợ đang xây dựng phương án mở lại là chợ Ngã tư Ga và chợ Đường (quận 12); 2 chợ chuyển công năng phải di dời và không mở lại là chợ quận 10, chợ Bình Trị Đông B (quận Bình Tân). Còn 6 chợ đang tu sửa, xuống cấp không đảm bảo hoạt động. Phần lớn các chợ này đóng cửa trước khi dịch xảy ra.
“Đối với các chợ tự phát xung quanh chợ truyền thống, Sở Công Thương đã làm việc với các quận, huyện, các chợ để có phương án tham mưu lãnh đạo thành phố, từng bước kiểm soát các chợ tự phát này. Công tác quản lý chợ truyền thống do địa phương, quận, huyện phụ trách. Do đó, với các giải pháp do Sở tham mưu, UBND TPHCM có chỉ đạo các quận, huyện tùy theo tình hình dịch bệnh để có lộ trình thực hiện”, ông Phương cho biết.