Sắc xuân trên làng nghề làm nhang trăm tuổi ở ngoại ô TPHCM
TPO - Những ngày tháng Chạp âm lịch, làng nghề làm nhang truyền thống ở xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TPHCM) lại rộn ràng với vụ Tết.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2022, tuyến đường Mai Bá Hương (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TPHCM) như được “thay áo” mới với sắc vàng, sắc đỏ rực rỡ từ những sạp phơi nhang ven đường.
Theo các bậc lão niên, nghề se nhang ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh đã có gần trăm năm tuổi.
Công đoạn se nhang thủ công giờ đây đã được máy móc thay thế và cho ra sản phẩm đồng bộ và đạt chất lượng hơn so với phương pháp truyền thống trước đây.
Những bó chân nhang được phơi xòe ra dưới nắng tựa những đóa hoa khoe sắc rực đỏ rất bắt mắt.
Anh Nguyễn Văn Hoàng, thợ làm nhang ở một cơ sở trên đường Mai Bá Hương cho biết, dịp cuối năm nắng tốt nên chỉ 2 giờ đồng hồ là phơi xong một mẻ nhang.
Mùa chính của làng nghề Lê Minh Xuân là những tháng cuối năm và cao điểm là tháng Chạp âm lịch.
Nét đặc trưng của làng nhang Lê Minh Xuân là bột nhang. Thành phần bột nhang bao gồm: bột quế, trấu, mùn cưa... Tùy vào công thức gia truyền của mỗi gia đình mà có những loại bột nhang mang hương thơm đặc trưng.
Một số chủ hộ làm nhang cho biết số lượng nhang đưa ra thị trường trong mùa vụ Tết tăng khoảng 30-50% so với thời gian bình thường.
Nhang sau khi được se sẽ được rải đều trên kệ để mang đi hong khô trước gió. Công đoạn hong khô nhằm giúp nén nhang khô và tránh tình trạng nứt, bể khi mang ra phơi dưới nắng.
Anh Trần Thế Đạt, chủ một cơ sở se nhang ở xã Lê Minh Xuân cho biết: “Sản lượng nhang sản xuất vào dịp Tết có tăng so với ngày bình thường. Tuy nhiên, nếu so sánh với thời điểm Tết năm trước thì vẫn giảm khoảng 30% do tình hình dịch bệnh”.
Nhang từ làng nghề Lê Minh Xuân không chỉ tiêu thụ tại TPHCM mà còn phân phối đi nhiều tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ.