Hãng tin Kyodo dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itunori Onodera tại Hạ viên cho biết, Tokyo được phép đánh chặn tên lửa nhằm vào lãnh thổ trên Thái Bình Dương của Mỹ, nếu loại vũ khí này bị đánh giá là mối đe dọa tồn tại đối với Nhật Bản.
Tuyên bố trên được ông Onodera đưa ra sau khi Bình Nhưỡng thông báo đang cân nhắc về việc tấn công đảo Guam bằng tên lửa đạn đạo tầm trung, theo KCNA.
Thậm chí, phát ngôn viên của quân đội Triều Tiên còn mô tả chi tiết rằng, 4 tên lửa đạn đạo tầm trung sẽ được phóng qua Nhật Bản và đáp xuống khu vực cách Guam 30-40 km.
Theo Reuters, phát ngôn trên là cách để chính phủ Nhật Bản nhắc lại vị thế trong khu vực.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, Tokyo hiện không có khả năng bắn hạ tên lửa bay trên lãnh thổ của họ hướng đến Guam.
Được biết, Nhật Bản hiện có 6 tàu khu trục được đang bị Hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis (ACS) – được triển khai trên tàu chiến và đất liền, trong đó có 4 tàu có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo. Theo kết quả đánh giá của Mỹ, tỷ lệ thành công của Aegis đạt 83%.
ACS được thiết kế để tiêu diệt các tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa bằng tên lửa đánh chặn SM-3 và đánh chặn tên lửa tầm ngắn bằng tên lửa đánh chặn SM-2.
Thế hệ tên lửa SM-3 được thiết kế dựa trên phiên bản SM-2, có tầm bắn khoảng 500 km với độ cao khoảng 160 km, sử dụng các radar, hệ thống máy tính hiện đại cùng với hệ thống định vị vệ tinh (GPS) để điều chỉnh và định hướng tiếp cận mục tiêu.
Ngoài các hệ thống Aegis trên tàu, Nhật Bản còn được phòng vệ bởi hệ thống tên lửa đất đối không Patriot và hệ thống vệ tinh phát hiện tên lửa Kirameki-2.
hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot PAC-3. Ảnh: AP