Nhận chìm…

TP - Suốt tuần qua nổi lên tranh luận khá gay gắt quanh việc nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 ở Bình Thuận được phép “nhận chìm” gần 1 triệu m3 “vật, chất” xuống vùng biển huyện Tuy Phong. Đây là chất thải nạo vét được trong quá trình xây dựng nhà máy này. Khu vực nhận chìm chất thải rộng tới 30ha, không xa Khu bảo tồn biển Hòn Cau.

Quan chức thuộc Bộ Tài nguyên & Môi trường khẳng định việc cấp phép “nhận chìm” trên tuân thủ đúng Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo. Các “vật, chất” này không độc hại, và “chất thải của biển nên đưa về với biển"! Phía ngược lại, nhiều chuyên gia về môi trường biển lo lắng, rằng việc này sẽ ảnh hưởng đến bảo tồn và đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.  Khi tại đây có tới mấy trăm loài san hô, hệ sinh thái đa dạng. Đặc biệt vùng biển này thuộc hệ sinh thái nước trồi, có động lực mạnh, luôn xáo trộn, hàng triệu tấn “vật, chất” kia sẽ không chịu nằm yên một chỗ.

Đáng lo hơn là sẽ còn tới gần 2,4 triệu m3 bùn thải cũng đang chờ được cấp phép “nhận chìm” xuống vùng biển này! Tiền lệ "nhận chìm vật, chất" rồi sẽ áp dụng với hàng loạt nhiệt điện, và các nhà máy khác, thì biển trên đất nước này sẽ ra sao?

Một sự trùng hợp, khi ở Nhật mấy ngày qua, chủ quản của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima là Công ty điện lực Tokyo đang lên kế hoạch xả thải phóng xạ ra Thái Bình Dương, khiến người dân địa phương bức xúc. Còn nhớ hồi tháng 3/2011, trận động đất dữ dội đã phá hủy một số lò phản ứng hạt nhân tại đây. Đồng vị phóng xạ Tritium còn tích tụ lại trong khoảng 770.000 m3 nước đã được sử dụng để làm mát các lò phản ứng hạt nhân bị sự cố, nay sẽ được “trả về với biển”. Nhưng dù các chuyên gia cho rằng chất thải phóng xạ này rất ít nguy cơ với sức khỏe con người, và sẽ khuếch tán nhanh ra đại dương, cư dân ven biển vẫn kịch liệt phản đối. 

Nhiều trăm năm trước Công nguyên, triết gia cổ đại Plato đã kể về lục địa huyền thoại Atlantis bị mất tích dưới đáy đại dương từ hàng ngàn năm trước đó. Một thiên đường giữa đại dương. Một ví dụ của xã hội mang hình thái tổ chức hoàn hảo bậc nhất loài người. Là khởi thủy của mọi nền văn minh bây giờ. Lục địa bí ẩn ấy dưới sự cai quản của vị thần Hy Lạp Poseidon (thần Biển cả) đến giờ vẫn gây nhiều tranh cãi. Thậm chí không ít nhà tâm linh thời hiện đại cho biết họ đã “tiếp xúc” được với linh hồn của các cư dân lục địa bị nhận chìm này để nhận được lời khuyên giúp giải quyết những bế tắc trong cuộc sống hiện tại!?      

Quả thực với nền khoa học kỹ thuật siêu việt, loài người đang cho thấy sự bế tắc, bối rối trước làn sóng vật chất được sản sinh với tốc độ vũ bão nhất trong lịch sử từ thuở hồng hoang đến giờ.

Vật chất cùng những bãi thải khổng lồ của chúng, liệu đến lúc nào đó sẽ nhận chìm chính loài người?

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.